Ông Hồ Đức Phớc: Việt Nam ứng xử bình đẳng và minh bạch giữa các thành phần kinh tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Chính phủ Việt nam ứng xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa nhà nước, tư nhân và đầu tư nước ngoài để tất cả bình đẳng trước pháp luật và minh bạch.
Tại sự kiện Techcombank Investment 2025 ngày 9-7, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chia sẻ định hướng chiến lược của Chính phủ về quá trình phát triển kinh tế Việt Nam.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại sự kiện. Ảnh: NGỌC DIỆP
"Bộ tứ trụ cột" là kim chỉ nam cho tăng trưởng kinh tế
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang thực hiện cơ cấu đổi mới kinh tế, thúc đẩy động lực phát triển nhằm đạt mục tiêu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đạt thu nhập cao vào năm 2045.
Trong đó, Bộ Chính trị ban hành 4 nghị quyết: Nghị quyết 57 về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Theo Phó Thủ tướng, đây được xem là "Bộ tứ trụ cột", là nền tảng quan trọng, là kim chỉ nam thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Nhấn mạnh về vai trò đồng hành của Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết: "Chúng tôi sẽ ứng xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa nhà nước, tư nhân và đầu tư nước ngoài để tất cả bình đẳng trước pháp luật và thực hiện minh bạch, chúng tôi cũng sẽ sát cánh cùng tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính tối thiểu 30% để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Chính phủ hành động, doanh nghiệp tiên phong, hy vọng các sáng kiến tại hội nghị sẽ nhanh chóng hiện thực hóa và có thành quả thực tiễn, qua đó sẽ tăng thêm niềm tin cho nhà đầu tư tại Việt Nam", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khán phòng vang lên tràng pháo tay hưởng ứng.
Tiến sĩ Tamara Henderson, chuyên gia kinh tế cao cấp của Bloomberg, nhấn mạnh để một quốc gia có thể phát triển bền vững, điều tiên quyết là phải dám đối mặt với những thách thức và thực hiện các thay đổi mang tính then chốt.
Những thay đổi này cần được đặt trong một chiến lược phát triển dài hạn nhằm dịch chuyển cấu trúc, giảm thiểu rủi ro, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Theo bà, để làm được điều đó, các quốc gia cần hiểu rõ những biến động toàn cầu đang diễn ra và nhanh chóng thích nghi để tìm ra con đường phát triển phù hợp.
Nữ tiến sĩ nhắc về cơ chế quản trị, gọi đó là yếu tố then chốt trong sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Những chính phủ có nền quản trị tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó bao gồm cả việc quản lý tốt thâm hụt ngân sách công, kiểm soát biến động thị trường và ổn định tỷ giá hối đoái.
Theo bảng chỉ số năm 2020, chỉ số quản trị của Việt Nam được đánh giá khá tích cực, thể hiện rõ nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư.
Từ góc nhìn của nhà đầu tư, đơn vị đã thực hiện khảo sát với những người có khả năng đưa ra quyết định đầu tư FDI tại các khu vực như Bắc Mỹ, châu Âu... "Kết quả cho thấy, trong từng năm, có 5 yếu tố chính dẫn dắt hoạt động đầu tư FDI: Hạ tầng, khung pháp lý, chính sách thuế quan, cùng các yếu tố liên quan khác", Tiến sĩ Tamara Henderson nói.
Cũng theo bà, nếu muốn xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi cho dòng vốn FDI, Việt Nam cần chú trọng đến các yếu tố như: Chi phí sản xuất thấp, tính bền vững của chuỗi cung ứng, cơ chế pháp lý rõ ràng, môi trường quản trị minh bạch... Ngoài ra, các yếu tố khác có ảnh hưởng đến hoạt động FDI là sự ổn định pháp luật và hiệu quả quản trị nhà nước.
Khép lại, nữ chuyên gia đưa ra những dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô trong những năm tới. "Dựa trên các dự báo, có thể thấy Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng", bà Tamara Henderson nêu. Điều này được kết luận dựa trên bối cảnh thực tế: Khi các quốc gia như Singapore hay Thái Lan đang phải đối mặt với nhiều cú sốc kinh tế lớn thì Việt Nam vẫn đang duy trì được sự ổn định.
Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 10%
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank bày tỏ sự đồng thuận với các quan điểm được nêu trước đó, đặc biệt là tinh thần lạc quan và cam kết chuyển đổi. Ông cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, việc duy trì tinh thần tích cực và dám nghĩ lớn là tiền đề để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank. Ảnh: NGỌC DIỆP
"Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 10% nếu biết tận dụng các yếu tố vĩ mô thuận lợi như dân số trẻ, nền tảng chuyển đổi số, cùng với quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như AI, thương mại điện tử hay sản xuất linh kiện công nghệ cao", ông nói.
Theo ông, một trong những thách thức lớn hiện nay là năng suất lao động. Mặc dù Việt Nam đang cải thiện tích cực, nhưng so với Trung Quốc hay một số quốc gia trong khu vực, năng suất vẫn còn khoảng cách.
"Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào những lĩnh vực có đà tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, để tăng hiệu quả sử dụng lao động và tạo giá trị bền vững", ông nhấn mạnh.
Lãnh đạo Techcombank cũng đề cập sự cần thiết của việc dịch chuyển mô hình kinh tế. Trong khi những lĩnh vực truyền thống như bất động sản, hạ tầng, xuất khẩu thô vẫn đóng vai trò nhất định, Việt Nam cần chuyển dịch sang mô hình mới - nơi công nghệ, dữ liệu và đổi mới sáng tạo là động lực chính.