Chỉ có 2/11 chỉ tiêu đạt kế hoạch

Sáng 13.1, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dân số năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Cường cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể liên quan.

Tuyên truyền công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cho đồng bào dân tộc Chăm tại Tây Ninh.

Tuyên truyền công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cho đồng bào dân tộc Chăm tại Tây Ninh.

Với tinh thần chủ động, quyết liệt, Tổng cục DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ, cơ quan dân số cơ sở và đội ngũ cộng tác viên dân số đã nỗ lực vượt khó, cố gắng thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”.

Năm 2021, công tác dân số cả nước gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Các hoạt động truyền thông và cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn, mức sinh có dấu hiệu tăng; nhiều địa phương tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác dân số, bao gồm cả mạng lưới cộng tác viên dân số. Một số văn bản, hướng dẫn thực hiện công tác dân số ban hành chậm, không đồng bộ; kinh phí đầu tư bị cắt giảm sau khi kết thúc Chương trình mục tiêu y tế - dân số; chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa đáp ứng yêu cầu.

Chỉ có 2/11 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra. Một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch như: giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chỉ tiêu giảm tỷ số giới tính khi sinh. Theo báo cáo của 58/63 tỉnh, có 36 tỉnh đạt chỉ tiêu kế hoạch; 22 tỉnh báo cáo không đạt. Nguyên nhân không đạt là vì tư tưởng trọng nam hơn nữ, thích sinh con trai còn khá phổ biến.

Về điều chỉnh mức sinh, năm 2021, ước tính tổng tỷ suất sinh là 2,11 con/phụ nữ, đạt kế hoạch đề ra (năm 2021 là 2,1 con). Đánh giá sơ bộ, mức sinh có dấu hiệu tăng ở một số tỉnh như Hà Tĩnh, Thái Bình, Hà Giang, Lai Châu…

Ước tính tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 5.274.990 người, không đạt kế hoạch đề ra. Theo báo cáo 38/63 tỉnh, có 19 tỉnh báo cáo đạt chỉ tiêu kế hoạch; 19 tỉnh báo cáo không đạt. Nguyên nhân không đạt là do hạn chế tiếp cận biện pháp tránh thai; việc cấp phương tiện tránh thai miễn phí bị thu hẹp.

Năm 2022, Tổng cục DS-KHHGĐ yêu cầu các địa phương duy trì vững chắc mức sinh thay thế, thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.

Tập trung triển khai các hoạt động nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng; củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; tiếp tục triển khai các hoạt động theo Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 theo Quyết định 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục củng cố và hoàn thiện tổ chức bộ máy về dân số từ tỉnh đến cơ sở; duy trì thực hiện mức sinh thay thế, tỷ số giới tính khi sinh, thực hiện tốt tầm soát, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; thận trọng trước nguy cơ tăng sinh con thứ 3 ở những tỉnh có mức sinh cao và tình trạng mất cân bằng giới tính tăng trở lại.

Lê Thùy

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chi-co-2-11-chi-tieu-dat-ke-hoach-a141071.html