Chỉ có một nhà đầu tư quan tâm đến dự án thành phần 3 - đường Vành đai 4

Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, tính đến hết thời hạn nộp hồ sơ cuối năm 2022, chỉ có một nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T quan tâm dự án thành phần 3 thuộc dự án Vành đai 4 Hà Nội.

UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình số 05/TTr- UBND gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch – Đầu tư về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (dự án thành phần 3).

Dự án thành phần 3 có tổng vốn đầu tư ước tính 56.520 tỉ đồng, giảm 16 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Trong đó, vốn nhà nước tham gia là 26.730 tỉ đồng (vốn ngân sách Trung ương 18.313 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương là 8.417 tỉ đồng); vốn nhà đầu tư thu xếp là 29.790 tỉ đồng, chiếm khoảng 52% tổng mức đầu tư dự án thành phần 3.

Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội cho biết, đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo 3 ngân hàng thương mại là Vietcombank, BIDV và VietinBank cung cấp thông tin về mức lãi suất. Tuy nhiên, đến ngày 19/1/2023, Hà Nội vẫn chưa nhận được trả lời chính thức từ các ngân hàng.

Hướng tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua TP Hà Nội. (Nguồn: UBND TP Hà Nội)

Hướng tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua TP Hà Nội. (Nguồn: UBND TP Hà Nội)

Để đảm bảo tiến độ việc trình, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, đơn vị tư vấn đã rà soát lãi suất vốn vay với 2 kịch bản: lãi suất 10,17%/năm (xác định tại thời điểm tháng 10/2020) và ước tính mức lãi vay thời điểm tháng 12/2022 là 11,2%/năm. Mức lãi suất phần vốn vay ở thời điểm hiện tại sẽ được đơn vị tư vấn cập nhật khi có trả lời chính thức từ các ngân hàng thương mại.

Tính khả thi của dự án về mặt tài chính cũng được đánh giá theo 3 phương án chi phí sử dụng vốn. Cụ thể, phương án 1 - mức lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu là 11,77%/năm và mức lãi suất phần vốn vay tạm tính là 10,17%/năm, tương tự bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được phê duyệt.

Phương án 2 - mức lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu là 11,77%/năm và mức lãi suất phần vốn vay tạm tính là 11,2%/năm. Phương án 3 - mức lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu là 13,3%/năm và mức lãi suất phần vốn vay tạm tính là 11,2%/năm.

Theo phương án 1 thì nguồn thu của dự án thành phần 3 đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư BOT trong khoảng 22 năm, 11 tháng khai thác, tương ứng với chi phí sử dụng vốn. Với phương án 2, với mức lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu và lãi suất phần vốn vay thì nguồn thu từ thu phí đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư là khoảng 29 năm khai thác. Theo phương án 3 thì thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư là khoảng 31 năm khai thác.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng thông tin thêm, đối với phương án 2 và phương án 3, tổng mức đầu tư (bao gồm lãi vay) của dự án vượt quá tổng mức đầu tư được phê duyệt trong chủ trương đầu tư của dự án. Mặt khác, với thời gian thu phí dài sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia dự án. Do đó, UBND TP Hà Nội kiến nghị phương án 1 để báo cáo các cơ quan liên quan xem xét quyết định.

Trước đó, tháng 10/2022, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội đã phát đi thông báo khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án thành phần 3.

Tuy nhiên, tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ quan tâm (11/12/2022), chỉ có một nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn T&T quan tâm. Theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Đầu tư theo phương thức PPP, hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với Dự án thành phần 3 là đấu thầu rộng rãi trong nước, không thực hiện sơ tuyển.

CL

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/chi-co-mot-nha-dau-tu-quan-tam-den-du-an-thanh-phan-3-duong-vanh-dai-4-i682187/