Chỉ còn chưa tới 28.000 cá thể tê giác sống sót trên toàn cầu

Số lượng tê giác hoang dã trên toàn cầu đã suy giảm nhanh chóng, từ nửa triệu cá thể vào đầu thế kỷ 20 xuống còn chưa tới 28.000 con hiện nay. Nhiều phân loài thậm chí đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Theo báo cáo đặc biệt mang tên Tình hình tê giác do Quỹ Tê giác quốc tế (IRF) công bố, thế giới hiện chỉ còn 5 loài tê giác; 3 trong số 5 loài này đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp. Tổng cả 5 loài cộng lại cũng chưa tới 28.000 con.

Biểu đồ thể hiện sự thay đổi của quần thể tê giác trong tự nhiên. (Infographic: IRF)

Biểu đồ thể hiện sự thay đổi của quần thể tê giác trong tự nhiên. (Infographic: IRF)

Hiện trạng tê giác Thế giới phân theo loài. (Nguồn: IRF)

Hiện trạng tê giác Thế giới phân theo loài. (Nguồn: IRF)

Tê giác trắng châu Phi

Cụ thể, đứng đầu trong danh sách là tê giác trắng châu Phi, với số lượng ước tính khoảng 17.464 cá thể, ở mức gần bị đe dọa. Loài này hiện đang phân bố tại 11 quốc gia trên lục địa Đen.

Có 2 phân loài chính là tê giác trắng phương nam và tê giác trắng phương bắc. Tuy nhiên, phân loài phía bắc hiện chỉ còn 2 con cái duy nhất – nên đã được coi là tuyệt chủng về lý thuyết.

Tê giác trắng châu Phi. (Ảnh: IRF)

Tê giác trắng châu Phi. (Ảnh: IRF)

Từ sau năm 2012, số lượng tê giác trắng đã suy giảm nhanh khi chúng trở thành mục tiêu chính của nạn săn trộm. Theo IRF, quần thể tê giác trắng đã giảm 24% chỉ trong giai đoạn 2012-2021.

Tê giác đen

Đứng thứ 2 trong danh sách là tê giác đen. Theo thống kê của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), hiện còn khoảng 6.421 cá thể tê giác đen; phân bố tại Namibia, Nam Phi, Kenya, Zimbabwe, Tanzania, Mozambique… Quần thể bao gồm 3 phân loài; trong đó phân loài tê giác đen phương tây đã được tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2011. Tê giác đen được IUCN xếp vào nhóm động vật cực kỳ nguy cấp.

Một cá thể tê giác đen (Ảnh: IRF)

Một cá thể tê giác đen (Ảnh: IRF)

Đáng chú ý, tính tới cuối năm 2023, số lượng tê giác đen đã giảm 1% so với cùng kỳ 2022. Các chuyên gia cho rằng đây là hệ quả của nạn săn trộm đang diễn ra phức tạp ở Namibia và Công viên Hluhluwe iMofolozi của nam Phi; nhưng cũng hy vọng tình trạng sẽ sớm được cải thiện trong tương lai gần.

Cũng theo báo cáo từ IRF, năm 2023, đã có 586 trường hợp tê giác tử vong do nạn săn trộm khắp châu Phi. 499 trong số đó xảy ra tại Nam Phi. Trung bình, chỉ trong 15 giờ lại có 1 con tê giác bị giết chết tại lục địa Đen.

Tê giác một sừng lớn

Tê giác một sừng lớn, với số lượng 4.014 cá thể, được IUCN xếp vào nhóm dễ bị tổn thương. Đây là loài động vật sinh sống chủ yếu ở Ấn Độ và Nepal và một phần nhỏ tại Bhutan. Hiện 3 quốc gia này đang hợp tác chặt chẽ với nhau để thực hiện chiến lược quản lý xuyên biên giới cho loài tê giác đặc hữu này. Nhờ đó, quần thể tê giác một sừng lớn đã tăng trưởng đều đặn ở mức 20% trong thập kỳ qua.

Tê giác một sừng lớn là nhóm Dễ bị tổn thương, theo xếp hạng của IUCN. (Ảnh: IRF)

Tê giác một sừng lớn là nhóm Dễ bị tổn thương, theo xếp hạng của IUCN. (Ảnh: IRF)

Mặc dù quần thể tê giác một sừng lớn đang gia tăng, loài này vẫn được phân loại là loài dễ bị tổn thương. Nạn săn trộm vẫn là mối đe dọa đáng kể và loài này đã bị xua đuổi khỏi nhiều khu vực mà chúng từng phổ biến. Sự phục hồi hoàn toàn của loài này không chỉ phụ thuộc vào việc bảo vệ tê giác ở nơi chúng đã cố gắng sinh tồn mà còn phải đưa chúng trở lại những nơi chúng đã biến mất.

Một mối đe dọa đáng kể khác ở cấp độ cảnh quan đối với tê giác một sừng lớn là sự phổ biến của các loài xâm lấn. Bên cạnh đó, tê giác một sừng lớn cũng là một trong những loài bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Tê giác Java

Tê giác Java trước đây còn được ghi nhận cả tại Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2011, cá thể tê giác Java cuối cùng tại nước ta đã được ghi nhận đã tử vong; biến Indonesia trở thành “lãnh địa cuối cùng” của loài này.

Một cá thể tê giác Java trong tự nhiên. (Ảnh: IRF)

Một cá thể tê giác Java trong tự nhiên. (Ảnh: IRF)

Theo thống kê của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới, tính tới hết năm 2023, cả thế giới còn khoảng 76 cá thể Tê giác Java, đưa nhóm này vào tình trạng cực kỳ nguy cấp. Tuy nhiên, Tổ chức Tê giác thế giới lại dẫn số liệu: Tại Công viên quốc gia Ujung Kulon (Indonesia), từ 2019-2023 đã có tới 26 con tê giác bị săn trộm. Do đó, IRF thậm chí cho rằng, số lượng loài đặc hữu của Indonesia hiện nay có thể chỉ còn xấp xỉ 50 con.

Tê giác Sumatra

Một cá thể tê giác Sumatra được ghi nhận trong tự nhiên.

Một cá thể tê giác Sumatra được ghi nhận trong tự nhiên.

Đứng cuối cùng trong danh sách là tê giác Sumatra. Với số lượng quần thể dao động từ 34-47 con, tê giác Sumatra đang ở vào tình trạng Cực kỳ nguy cấp. Đây là loài khá “bí ẩn” khi thường sống sâu trong các khu rừng rậm rạp và rất khó bị phát hiện trực tiếp trong tự nhiên. Hiện, một chương trình nhân giống tại Khu bảo tồn tê giác Sumatra cũng đang được triển khai, nhằm nỗ lực tạo ra một quần thể mới.

Ngày 22/9 hằng năm được chọn là Ngày tê giác thế giới do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Nam Phi khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2010.

BÌNH AN (Theo IRF)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chi-con-chua-toi-28000-ca-the-te-giac-song-sot-tren-toan-cau-post832513.html