Chỉ còn hơn 100 ngày nữa đến Tết, ngày cuối cùng đi làm khi bị sa thải cảm giác sẽ thế nào?
Bất kể bạn là ai và bị sa thải vì bất cứ lý do gì, ngày cuối cùng đi làm cũng chứa đựng rất nhiều cảm giác khó tả.
01
"Từ 2 tháng trước, bộ phận nhân sự đã rò rỉ tin tức, công ty sẽ cắt giảm nhân sự vì kinh tế khó khăn. Phòng tài chính của bọn chị có 4 người, sẽ bị cắt 1 nửa. Cách đây không lâu, chị biết mình thuộc nhóm bị sa thải.
Điều an ủi duy nhất là công ty thẳng thắn trao đổi vấn đề và chị được bồi thường theo đúng chế độ. Nhưng điều đó cũng không làm chị bớt hoang mang.
Ngày cuối cùng đi làm, chị thậm chí còn không biết mình đã về nhà bằng cách nào. Khi tỉnh ra, chị nhận ra mình đã gần đến nhà. Lúc đó chị thấy một người phụ nữ trạc tuổi mình đang nói chuyện điện thoại về công việc với gương mặt lo lắng. Chị đặc biệt ghen tị với kiểu lo lắng đó. Bởi cô ấy vẫn có việc phải lo còn chị thậm chí không có việc để làm nữa.
Người phụ nữ 33 tuổi có con mới 1 tuổi rưỡi. Trong hoàn cảnh của chị, em có thể tưởng tượng tìm việc sẽ khó khăn thế nào. Nghĩ đến đây, nước mắt bất giác trào ra. Chị đã ngồi trên ghế ở công viên rất lâu. Chị không muốn về nhà để cho con gái thấy mình yếu ớt như vậy".
Đây là những gì một chị bạn tâm sự với tôi sau khi bị sa thải cách đây không lâu. Trước đó chị làm việc ở công ty được 5 năm, đã dành rất nhiều công sức và nỗ lực cho công việc, đã có rất nhiều đồng nghiệp dễ thương và kỷ niệm đáng nhớ với mọi người. Nhưng bây giờ thì tất cả những điều này đều không có ý nghĩa gì nữa…
02
Vài năm trở lại đây, với tình hình kinh tế biến động và "bão" sa thải ở khắp nơi, những trường hợp như nhân vật nói trên không hiếm gặp. Ở thời điểm cuối năm như hiện tại, mọi chuyện lại càng trở nên khó khăn hơn bởi bị sa thải lúc này không chỉ là mất việc mà còn mất cả thưởng Tết.
Gần đây cư dân mạng không khỏi xôn xao khi một "ông lớn" trong ngành dịch vụ giao đồ ăn bắt đầu thu hẹp quy mô hoạt động và sa thải nhân viên sau 4 năm có mặt tại Việt Nam. Theo Deal Street Asia (trang web tin tức tài chính có trụ sở tại Singapore), khoảng 50% nhân sự của nền tảng này ở Việt Nam đã bị sa thải.
Trên mạng xã hội cũng bắt đầu xuất hiện những video chia tay công ty, tâm sự từ các nhân sự nằm trong danh sách phải nghỉ việc này. Đó là cảm giác hoang mang, hụt hẫng và có cả cảm xúc vỡ vụn trong ngày nhận thông báo cắt giảm nhân sự, ngày cuối cùng đi làm trước khi bị sa thải.
Phía dưới nội dung này, cư dân mạng đã để lại rất nhiều bình luận đồng cảm. Có người mất một thời gian mới cân bằng lại được, có người tìm thấy cơ hội mới và phần lớn là gửi cái ôm, lời động viên đến những nhân viên chẳng may bị sa thải.
"Mình phải nghỉ từ tháng 11/2022. Lúc đó cũng buồn lắm nhưng nhờ vậy mà mình học cách kinh doanh và tự làm đến bây giờ. Mong cơ hội mới sẽ đến với bạn", "Đồng cảm với bạn lắm. Hồi trước mình cũng phải chia tay công ty sau hơn 2 năm làm việc. Lúc đó khủng hoảng lắm nhưng rồi chuyện gì cũng qua. Chúc bạn sớm vượt qua", "Mình cũng mới mất việc do công ty khó khăn cắt giảm nhân sự. Hôm đó đi làm như bao ngày bình thường nhưng không biết đó lại là lần cuối. Chỉ khi tự mình trải qua tình huống này mới biết mọi chuyện khốc liệt thế nào", "Ôm bạn một cái! Cố lên nhé! Rồi tất cả sẽ lại ổn thôi",... là một số bình luận từ cư dân mạng.
03
Thực tế, hụt hẫng hay hoang mang trong ngày cuối cùng đi làm mới chỉ là những cảm xúc đầu tiên. Sau đó bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề sát sườn hơn, đó là khó khăn khi đi tìm việc, là nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Một cư dân mạng đã kể lại những diễn biến tâm lý của mình sau khi bị sa thải như sau: "Tôi sinh ra ở nông thôn, lên thành phố đại học và quyết tâm ở lại lập nghiệp. Cách đây 1 năm, tôi bị sa thải. Đối với người mới ra trường được vài năm và phải đi thuê nhà, việc bị sa thải trở thành tin sét đánh ngang tai. Lúc đó tôi gần như suy sụp, thậm chí phải vào WC để khóc.
Một tuần sau khi bị cho nghỉ việc, tôi không biết làm gì hơn ngoài việc ở lì trong nhà và buồn bã. Tôi cũng không dám nói với gia đình ở quê vì sợ mọi người lo lắng, bố mẹ có hỏi cũng chỉ nói qua loa công việc vẫn ổn.
Hết 1 tuần, tôi quyết định phải gạt phăng cảm giác thất vọng, vô định để rải hồ sơ xin việc. Khoảng 1 tháng sau đó, tôi tìm thấy công việc hiện tại vào đúng tháng cuối cùng của năm. Năm đó, dù không có nhiều tiền để biếu bố mẹ vì không có thưởng Tết nhưng tôi vẫn thấy mình vô cùng may mắn.
Quả thực nhìn lại quãng thời gian sau khi bị sa thải đó, trong lòng tôi luôn có cảm giác lo sợ. Nhưng nhìn một cách tích cực, tôi đã nỗ lực hơn trong công việc sau đó để chứng minh giá trị của mình ở công ty, để trở thành nhân sự không thể bị thay thế được nữa".
04
Bị sa thải thì ai cũng buồn, ai cũng hoang mang nhưng suy cho cùng, cuộc sống có nhiều điều quan trọng khác và có nhiều cơ hội mới đang chờ phía trước. Miễn là bạn còn cố gắng thì mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Đầu tiên, đừng nản lòng và hãy sắp xếp lại tâm trạng của mình vì còn cả một chặng đường dài trước mắt. Đôi khi bị sa thải không phải vì bạn không tốt nên đừng quá cứng nhắc về lý do.
Thứ hai, hãy dành thời gian suy nghĩ kỹ càng về bản thân lẫn công việc. Đó là lúc bạn nhận ra những bài học, kinh nghiệm trong quá trình làm việc trước đây và tìm ra hướng đi mới cho công việc tiếp theo.
Thứ 3, một lưu ý mà nhiều nhân sự thường vì e ngại mà xem nhẹ là trao đổi thẳng thắn với sếp. Nội dung trao đổi là những suy nghĩ, thế mạnh, kỹ năng,... của bản thân. Và một cách tự nhiên, họ sẽ lưu tâm đến bạn khi công ty phát triển.
Cuối cùng, những người đang sống và làm việc xa nhà vốn mạnh mẽ, tự lập nên sẽ chỉ muốn báo tin vui cho bố mẹ hơn là khó khăn. Thực ra việc giao tiếp với người thân cũng rất quan trọng, đừng quên gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất cho chúng ta và có một số việc, có sự động viên của gia đình sẽ giúp bạn mau chóng vượt qua.