Chỉ dẫn địa lý: 'Tài sản' cần được khai thác

Cùng với số lượng chỉ dẫn địa lý (CDĐL), những năm gần đây, giá bán các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ cũng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở việc bảo hộ CDĐL mà không thực hiện các hoạt động quảng bá thì việc khai thác thương mại sản phẩm được bảo hộ sẽ không mang lại hiệu quả.

Giá trị khai thác còn khiêm tốn

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với các nước trong khu vực và thế giới. Trong bối cảnh hội nhập với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc xây dựng và quản lý CDĐL giúp gia tăng giá trị cho các sản phẩm mang đặc trưng của các địa phương, vùng miền, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đại diện lãnh đạo 3 Bộ ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý CDĐL

Đại diện lãnh đạo 3 Bộ ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý CDĐL

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đến nay đã có 70 CDĐL, 4 CDĐL được bảo hộ ở nước ngoài (3 tại Thái Lan và 1 tại Liên minh châu Âu (EU): Chè San Tuyết Mộc Châu; Quế Văn Yên tại Thái Lan; Cà phê Buôn Ma Thuột tại Liên Bang Nga & Thái Lan; nước mắm Phú Quốc tại EU). Bên cạnh đó, 39 CDĐL của Việt Nam đã được EU đồng ý bảo hộ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Các thống kê và báo cáo của các hiệp hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm bảo hộ CDĐL cho thấy, giá bán sản phẩm tăng từ 20-100%, điển hình như: Cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc, tăng 75-80%; nước mắm Phú Quốc, tăng từ 30-50%...

Song vẫn còn nhiều nhà sản xuất, DN, tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ CDĐL nói riêng. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được bảo hộ CDĐL còn hạn chế, dẫn đến lợi ích từ CDĐL mang lại thấp, nhiều CDĐL không được sử dụng hiệu quả. Việc các CDĐL được khai thác và giám sát lỏng lẻo khiến vấn nạn làm giả, nhái các CDĐL diễn ra ở nhiều nơi.

Một số nhãn hiệu, CDĐL những sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam bị DN nước ngoài chiếm dụng, lạm dụng, phải mất nhiều thời gian và chi phí mới lấy lại được quyền đăng ký bảo hộ, như: Cà phê Buôn Ma Thuột; cà phê Trung Nguyên; bánh kẹo Bibica; Vinataba... Điều này cho thấy, các thương hiệu mạnh của Việt Nam, đặc biệt là nông sản có nguy cơ bị chiếm đoạt tại các thị trường xuất khẩu.

Chú trọng tuyên truyền, khai thác hiệu quả CDĐL

Thời gian qua, nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ phát triển CDĐL đã được xây dựng và triển khai, như: Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Chương trình Xây dựng Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam; Dự án Hỗ trợ đăng ký bảo hộ CDĐL của Việt Nam tại Nhật Bản... cùng với đó là các chương trình hỗ trợ phát triển đặc sản địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…

Năm 2018, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý CDĐL nhằm bảo đảm sự phối hợp thống nhất, hiệu quả giữa 3 bộ trong công tác xây dựng và quản lý CDĐL của Việt Nam. Trong quá trình đàm phán các FTA, Bộ Công Thương chủ động yêu cầu đối tác công nhận danh mục các sản phẩm cần bảo hộ CDĐL và nhãn hiệu thương mại.

Là cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức của DN, hợp tác xã và các tổ chức trong việc xây dựng, bảo hộ, quảng bá các nhãn hiệu tập thể và CDĐL vùng miền. Không chỉ cung cấp các kiến thức chuyên môn, những chương trình này còn khuyến khích xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh gắn liền với CDĐL đã được bảo hộ.

Ngoài ra, Cục XTTM đã và đang đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm mang CDĐL của Việt Nam ở cả thị trường trong và ngoài nước. "Chúng tôi đã làm việc với một số địa phương nhằm xây dựng chiến lược truyền thông và hỗ trợ xây dựng các sản phẩm truyền thông, quảng bá các sản phẩm mang CDĐL. Trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương do Bộ Công Thương vừa ban hành cũng khuyến khích xây dựng và thực hiện các chương trình quảng bá CDĐL của vùng, miền ra thị trường nước ngoài" - Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục XTTM - cho biết.

Với những điều kiện đặc thù để được công nhận và bảo hộ, CDĐL đóng vai trò như sự đảm bảo rằng, sản phẩm mang CDĐL có được chất lượng nhất định theo phương pháp sản xuất truyền thống và uy tín nhờ xuất xứ vùng miền. Theo đó, sản phẩm mang CDĐL đồng nghĩa với việc được công nhận và đảm bảo về chất lượng, mang tính cạnh tranh cao hơn so với các sản phẩm mang nhãn hiệu thông thường. Ngoài ra, CDĐL còn là "sứ giả" truyền tải văn hóa vùng miền đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Linh Trần

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chi-dan-dia-ly-tai-san-can-duoc-khai-thac-129504.html