Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/8/2024

Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/8/2024.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì phiên họp của Hội đồng

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì phiên họp của Hội đồng

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 373/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đánh giá cao Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương), cơ quan thường trực của Hội đồng đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị chu đáo cho phiên họp; các ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung, tâm huyết, trách nhiệm, có kinh nghiệm, sát thực tiễn, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn một số hạn chế như: (1) Việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 của các địa phương còn chậm (còn 25/63 tỉnh, thành phố chưa ban hành văn bản); (2) Công tác phát hiện các điển hình trong phong trào thi đua của một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa được chú trọng; (3) Khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất chưa đồng đều và tỷ lệ khen thưởng cấp Nhà nước còn thấp; (4) Trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan đơn vị chưa được đề cao; vẫn còn để xảy ra sai phạm trong công tác khen thưởng.

5 bài học kinh nghiệm

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Một là, các bộ, ngành, địa phương cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Càng khó khăn thì càng phải thi đua" để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Hai là, các phong trào thi đua cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của đất nước gắn với lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.

Ba là, khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thi đua, khen thưởng tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước.

Bốn là, quan tâm tới bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong công tác thi đua, khen thưởng.

Năm là, khi giao nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm để khi đánh giá, khen thưởng dễ dàng, chính xác, khách quan; và khen thưởng phải đúng, trúng, kịp thời, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.

Phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024

Thời gian tới, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình thế giới dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, rủi ro gia tăng. Ở trong nước, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Trước tình hình đó, để thúc đẩy các phong trào thi đua, khuyến khích, động viên, tạo động lực, truyền cảm hứng cho toàn dân, cả hệ thống chính trị, công tác thi đua, khen thưởng thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Khẩn trương hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ đôn đốc các địa phương xây dựng, ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng theo đúng quy định, thẩm quyền; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể những nội dung còn vướng mắc khi áp dụng thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định 98/2023/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ.

Hướng tới dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và các ngày lễ lớn của đất nước năm 2025 như: 80 năm thành lập nước, 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, rà soát, đề nghị khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc qua các thời kỳ nhưng chưa được khen thưởng, cơ bản hoàn thành trong năm 2024 và năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ: Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Bộ Nội vụ cùng với Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức phát động và thực hiện tốt Đợt thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3000 km đường cao tốc". Tiếp thu ý kiến thảo luận của các thành viên Hội đồng, hoàn thiện Dự thảo Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Đợt thi đua.

Các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục phát động, triển khai tích cực các phong trào thi đua; đồng thời tập trung chỉ đạo triển thực hiện tốt Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI bảo đảm đúng tiến độ, thiết thực, hiệu quả, tạo khí thế thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; tuyên truyền, biểu dương nhân rộng các phong trào thi đua, các mô hình sáng tạo, hiệu quả, các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; kết quả phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về việc xét phong tặng, truy tặng các danh hiệu "Anh hùng", Bộ Nội vụ hoàn thiện hồ sơ, thực hiện quy trình đề nghị khen thưởng theo đúng quy định hiện hành.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp triển khai các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế của hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS)

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 371/TB-VPCP ngày 10/8/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp triển khai các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế của hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS).

Thông báo kết luận nêu rõ: Trong thời gian qua, việc tiếp tục hoàn thiện, quản lý, vận hành hệ thống VMS có nhiều chuyển biến tích cực; ghi nhận và biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin hệ thống VMS và các cơ quan liên quan.

Thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC trong năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2024 là phải tiếp tục hoàn thiện, quản lý, vận hành hệ thống VMS thông suốt, hiệu quả từ trung ương tới địa phương. Do đó, cần phải tập trung tối đa và tối ưu hóa các công việc.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan tập trung giải quyết các vướng mắc về kỹ thuật để hoàn thiện hệ thống VMS, bảo đảm hệ thống phát hiện, kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin, cập nhật kết quả xử lý các tàu cá vi phạm pháp luật 24/7; hoàn thành trước ngày 20/8/2024.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc thành lập Tổ công tác liên ngành với các thành viên từ các bộ, ngành liên quan để tham mưu, xử lý các nội dung kỹ thuật, hướng dẫn thực thi pháp luật về hệ thống VMS tại trung ương và địa phương. Báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU các nội dung vượt thẩm quyền.

Bảo đảm duy trì chất lượng thiết bị và dịch vụ vệ tinh hệ thống VMS

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra các đơn vị cung cấp thiết bị và dịch vụ vệ tinh, bảo đảm duy trì chất lượng thiết bị và dịch vụ vệ tinh hệ thống VMS.

Chỉ đạo các đơn vị/ tổ chức cung cấp dịch vụ duy trì kết nối hệ thống VMS cho tất cả các thiết bị trong thời gian cao điểm (từ nay cho tới khi Đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC kết thúc kiểm tra tại Việt Nam).

Bộ Công an chỉ đạo công an các lực lượng, công an địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin xác định ranh giới trên biển của Việt Nam với các nước trong khu vực theo quy định cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xác định, hướng dẫn cho tàu cá và ngư dân hoạt động khai thác hải sản hợp pháp trên các vùng biển theo quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế; hoàn thành trước ngày 15/8/2024.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng kết nối hệ thống VMS của tàu cá qua đồn, trạm biên phòng, trên các vùng biển; xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm.

UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương: Rà soát, trang bị bổ sung trang thiết bị kỹ thuật hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống VMS tại cơ quan quản lý thủy sản, cảng cá tại địa phương; hoàn thành trước ngày 31/8/2024.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương quyết định việc thành lập Tổ công tác liên ngành vận hành hệ thống VMS theo dõi, phát hiện, tiếp nhận và xác minh thông tin, xử lý và cập nhật kết quả xử lý các tàu cá vi phạm quy định pháp luật VMS tại địa phương.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, tổng hợp và báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU kết quả thực hiện.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 10/8/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh.

Thông báo nêu rõ, chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các hội nghị quốc tế. Đối với ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải (Chương trình) để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050. Trong thời gian qua, các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và UBND các địa phương đã cơ bản triển khai các nhiệm vụ được giao, bước đầu góp phần tích cực chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang sử dụng năng lượng xanh. Tuy nhiên, việc triển khai tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa thực sự tập trung, chưa có trọng tâm, trọng điểm nên chưa tạo được kết quả rõ nét.

Có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông xanh

Để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các địa phương có liên quan rà soát tổng thể Chương trình tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2024. Trong đó tập trung các nội dung:

Tình hình triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 876/QĐ-TTg (bao gồm cả các chương trình, nhiệm vụ tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định);

Khó khăn, vướng mắc (về cơ chế chính sách, công nghệ, nguồn lực...) và đề xuất, kiến nghị phương hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg;

Đề xuất cơ chế điều hành, tổ chức thực hiện Quyết định, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì tổng hợp, điều phối và các cơ quan thực hiện Chương trình nhằm bảo đảm triển khai đồng bộ các nhiệm vụ…; đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 876/QĐ-TTg nhằm thực hiện các mục tiêu, nội dung của Chương trình hành động phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật mới ban hành.

Phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng năng lượng xanh (bao gồm cả chính sách hỗ trợ đầu tư các trạm sạc điện, hỗ trợ chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện giao thông xanh…), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2024.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt điện liên tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 30/6/2025.

Bảo đảm có hệ thống trạm sạc điện công cộng trong các đô thị, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; trong đó cần nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh.

Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà chung cư, trung tâm thương mại, trong đó quy định các tiêu chuẩn về hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông xanh, hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Để bảo đảm hoạt động của các phương tiện giao thông xanh hiện hữu, đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan ban hành hướng dẫn để bổ sung trong quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh, bảo đảm có các hệ thống trạm sạc điện công cộng trong các đô thị phục vụ phương tiện giao thông xanh để các địa phương triển khai thực hiện, không làm ảnh hưởng đến hoạt động phương tiện giao thông xanh của người dân, hoàn thành trong tháng 8 năm 2024.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành tiêu chuẩn (hoặc quy chuẩn) về đầu cắm điện, ổ cắm điện và dây sạc điện đối với phương tiện giao thông xanh, hoàn thành trong tháng 8 năm 2024.

Các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát lại các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, bổ sung và có chính sách phát triển giao thông xanh, nhất là chính sách đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh (trong đó có hạ tầng trạm sạc điện và nguồn cung cấp điện), đáp ứng lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải./.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-10-8-2024-102240811085459889.htm