Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/7/2025
Văn phòng Chính phủ đã có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/7/2025.
Ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký Quyết định số 1526/QĐ-TTg ngày 14/7/2025 ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Quyết định phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời hạn trình 120 văn bản quy định chi tiết thi hành 33 luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về quân sự, quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Nhà giáo; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Việc làm; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị quyết số 201/2025/QH15 ngày 29/5/2025 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Nghị quyết số 204/2025/QH15 ngày 17/6/2025 về giảm thuế giá trị gia tăng; Nghị quyết số 216/2025/QH15 ngày 26/6/2025 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết số 218/2025/QH15 ngày 26/6/2025 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi...

DANH MỤC VÀ PHÂN CÔNG CƠ QUAN CHỦ TRÌ SOẠN THẢO VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 9
Quyết định này cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với một số văn bản như: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam; Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định quy định chi tiết về việc tháo gỡ vướng mắc của dự án BOT giao thông; Nghị định quy định chi tiết về thiết kế kỹ thuật tổng thể, cơ chế đặc thù, đặc biệt thực hiện các dự án đường sắt; Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 204/2025/QH15 ngày 17/6/2025 của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng...
Các bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm về đề xuất ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn và bảo đảm lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.
Bộ trưởng chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất ban hành văn bản quy định chi tiết
Quyết định nêu rõ về trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ về nội dung đề xuất ban hành văn bản quy định chi tiết, cụ thể: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm đầy đủ nội dung giao quy định chi tiết, đúng thẩm quyền và thời hạn ban hành văn bản để có hiệu lực đồng thời với luật, nghị quyết hoặc nội dung giao quy định chi tiết. Đối với các văn bản quy định chi tiết chưa xác định được cụ thể điều khoản giao quy định chi tiết, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình soạn thảo các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm việc ban hành văn bản quy định chi tiết đúng thẩm quyền, đầy đủ, chính xác nội dung giao quy định chi tiết, thời điểm có hiệu lực của văn bản quy định chi tiết và chịu hoàn toàn trách nhiệm về đề xuất của cơ quan mình.
Trường hợp cần thay đổi, bổ sung đề xuất thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Lãnh đạo Chính phủ phụ trách ngành, lĩnh vực xem xét, quyết định.
Kiểm điểm từng đơn vị và người đứng đầu chậm ban hành hoặc ban hành văn bản không đảm bảo chất lượng
Bên cạnh đó, Quyết định cũng nêu rõ về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ về việc triển khai thực hiện, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết. Cụ thể:
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 88/2025/QH15, trong đó xác định rõ các văn bản cần ban hành để quy định chi tiết Luật này.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15, trong đó xác định rõ các văn bản cần ban hành để quy định chi tiết Luật này.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết có trách nhiệm:
- Trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết theo Quyết định này.
- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản để xảy ra tình trạng chậm ban hành hoặc ban hành văn bản không đảm bảo chất lượng.
- Chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực về những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
- Tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Đẩy nhanh tiến độ thẩm định, xử lý các hồ sơ dự thảo văn bản
Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định; Văn phòng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ dự thảo văn bản được các bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành rà soát các văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp và kịp thời triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định độc lập theo quy định của Nghị quyết số 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký Quyết định số 23/2025/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định độc lập theo quy định của Nghị quyết số 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.
Quy chế này quy định về nguyên tắc hoạt động, việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thẩm định độc lập theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật (sau đây gọi là Hội đồng).
Bộ trưởng Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng thẩm định độc lập
Về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng, Quy chế nêu rõ: Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết bằng phiếu, quyết định theo ý kiến đa số (trên 50% tổng số thành viên Hội đồng theo quyết định thành lập Hội đồng); trường hợp ý kiến biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Hội đồng được sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp. Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng do cơ quan Thường trực của Hội đồng bố trí theo quy định của Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và văn bản hướng dẫn.
Hội đồng chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng.
Về việc thành lập Hội đồng, Quy chế quy định: Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định độc lập theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15.
Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Phó Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Tư pháp được giao chủ trì tham mưu việc thực hiện thẩm định. Thành viên Hội đồng là đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan có liên quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Căn cứ nội dung của dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định mời đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm phù hợp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng thẩm định độc lập.
Thư ký Hội đồng là công chức của đơn vị thuộc Bộ Tư pháp được giao chủ trì tham mưu việc thực hiện thẩm định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên Hội đồng và Cơ quan Thường trực của Hội đồng
Quy chế cũng nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên Hội đồng và Cơ quan Thường trực của Hội đồng, cụ thể:
Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định dự thảo nghị quyết của Chính phủ về xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật theo các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15 bảo đảm đúng thời hạn, chất lượng.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng: Chỉ đạo việc tổ chức thẩm định; chủ trì cuộc họp Hội đồng; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng trong quá trình hoạt động; ký Báo cáo thẩm định, Biên bản họp thẩm định.
Phó Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng trực tiếp chỉ đạo, điều phối các hoạt động của Hội đồng; thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp của Hội đồng, ký Biên bản cuộc họp của Hội đồng khi được ủy quyền; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác của thành viên Hội đồng.
Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng: Nghiên cứu hồ sơ dự thảo nghị quyết, tham gia cuộc họp thẩm định, phát biểu và chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm định theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị quyết số 206/2025/QH15; biểu quyết bằng phiếu về việc dự thảo nghị quyết đủ hay chưa đủ điều kiện trình Chính phủ và các nội dung khác theo yêu cầu của Hội đồng (nếu có). Trường hợp không thể tham gia cuộc họp thẩm định thì phải gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Hội đồng (qua cơ quan Thường trực là Bộ Tư pháp) trước khi cuộc họp thẩm định diễn ra. Ý kiến thẩm định phải thể hiện rõ dự thảo nghị quyết đủ hay chưa đủ điều kiện trình Chính phủ. Ý kiến thẩm định có thể được gửi bằng hình thức điện tử; Thành viên Hội đồng được quyền bảo lưu ý kiến thẩm định nếu không đồng ý với kết luận của Hội đồng (nếu có).
Quy chế quy định Bộ Tư pháp là cơ quan Thường trực của Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng.
Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ dự thảo nghị quyết đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ
Ngoài ra, Quy chế cũng quy định cách thức tổ chức cuộc họp của Hội đồng: Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp của Hội đồng. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tham dự cuộc họp của Hội đồng và trình bày về nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết; cung cấp, bổ sung thông tin, tài liệu có liên quan đến dự thảo nghị quyết.
Thành viên Hội đồng phát biểu ý kiến thẩm định theo quy định tại khoản 4 Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15.
Báo cáo thẩm định của Hội đồng phải thể hiện rõ dự thảo nghị quyết đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ; việc tham gia ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan của Quốc hội là thành viên Hội đồng. Trường hợp báo cáo thẩm định kết luận dự thảo nghị quyết chỉ đủ điều kiện trình Chính phủ sau khi tiếp thu, hoàn thiện thì báo cáo thẩm định phải nêu rõ nội dung, yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện. Báo cáo thẩm định được gửi đến Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ, đồng thời gửi đến các thành viên Hội đồng.
Trường hợp dự thảo nghị quyết chưa đủ điều kiện trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo và gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Bộ Tư pháp để thực hiện việc thẩm định lại. Việc thẩm định lại được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15 và quy định tại Quy chế này.
Quyết định 23/2025/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 14/7/2025 đến hết ngày 28/02/2027.