Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/5/2025 (1)

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/5/2025(1).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở Bắc Bộ

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở Bắc Bộ

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở Bắc Bộ

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 23/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở Bắc Bộ.

Công điện gửi các Bộ: Quốc phòng, Công an; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An.

Công điện nêu: Từ đầu tháng 5 năm 2025 đến nay, dù chưa vào giai đoạn cao điểm mùa mưa, nhưng đã xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa cường suất lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân, nhất là tại một số tỉnh như Lai Châu, Bắc Kạn, Quảng Ninh,...

Theo báo cáo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm ngày 22 đến sáng 23 tháng 5 năm 2025, tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn đã có mưa to, lượng mưa phổ biến 40-70mm, một số nơi trên 100mm, cục bộ tại trạm Lâm Bình (Tuyên Quang) 256mm. Dự báo ngày 23 và 24 tháng 5 năm 2025, khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to (lượng mưa 60-130mm, có nơi trên 220mm), khu vực Tây Bắc có mưa 40-70mm, cục bộ có nơi trên 150mm; cần đề phòng mưa với cường suất lớn cục bộ (trên 120mm trong 2-3 giờ) gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng.

Trong bối cảnh các địa phương đang tập trung thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, chuẩn bị kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện để triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai ở cơ sở chưa ổn định, để chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã) tiếp tục theo dõi sát tình hình, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp để chủ động ứng phó thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Tuyệt đối không được để xảy ra gián đoạn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với thiên tai khi thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

2- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường:

a) Chỉ đạo, tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, thiên tai cho các Bộ, ngành, địa phương và Nhân dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.

b) Chủ động chỉ đạo các ngành, các địa phương có liên quan triển khai các biện pháp cụ thể phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với diễn biến, tình huống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao; kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

c) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tập trung xử lý, khắc phục các sự cố về đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai đã xảy ra trong mùa mưa bão năm 2024 và thời gian qua để chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ trong thời gian tới.

d) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ khẩn trương rà soát, hướng dẫn các địa phương kiện toàn cơ quan thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

3- Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn các hồ đập thủy điện; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong công tác chỉ đạo vận hành các hồ thủy điện, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện lớn trên hệ thống sông Hồng, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ phát điện trong các tháng cao điểm nắng nóng.

4- Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo rà soát, triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông và các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng khi có tình huống thiên tai, kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là các tuyến quốc lộ, trục giao thông chính.

5- Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự phù hợp với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong tháng 5 năm 2025; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn địa phương kiện toàn cơ quan thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; chỉ đạo các Quân khu, các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát, xây dựng phương án, chủ động huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp với địa phương và các lực lượng có liên quan triển khai công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai theo quy định.

6- Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương, nhất là lực lượng công an ở cơ sở xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai hỗ trợ Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống.

7- Tổng Giám đốc: Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai cho Nhân dân; cập nhật thông tin dự báo, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến thiên tai để Nhân dân biết, chủ động ứng phó phù hợp.

8- Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Kiện toàn Hội đồng tiền lương quốc gia

Kiện toàn Hội đồng tiền lương quốc gia

Kiện toàn Hội đồng tiền lương quốc gia

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 992/QĐ-TTg ngày 22/5/2025 kiện toàn Hội đồng tiền lương quốc gia.

Cơ cấu thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia

Theo Quyết định kiện toàn, Hội đồng tiền lương quốc gia (Hội đồng) có 17 thành viên gồm:

Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Mạnh Khương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ;

Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Đinh Hồng Thái, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Các thành viên Hội đồng còn lại, gồm:

- 4 thành viên đại diện của Bộ Nội vụ;

- 4 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

- 3 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương (gồm 1 thành viên đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 2 thành viên là đại diện của hai hiệp hội ngành nghề ở trung ương có sử dụng nhiều lao động);

- 2 thành viên độc lập là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội (không bao gồm chuyên gia, nhà khoa học đang công tác tại cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương).

Bộ phận kỹ thuật và Bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng

Hội đồng có Bộ phận kỹ thuật và Bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng.

- Bộ phận kỹ thuật gồm một số chuyên gia am hiểu về lĩnh vực lao động, tiền lương của các cơ quan, tổ chức có đại diện tham gia Hội đồng và nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý của Bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học do Chủ tịch Hội đồng lựa chọn, bổ nhiệm để giúp Hội đồng xây dựng các báo cáo kỹ thuật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng.

- Bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng triển khai các hoạt động hành chính, tổ chức, nhân sự, tài chính thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định sử dụng bộ máy làm việc của Bộ Nội vụ làm bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng.

Chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Hội đồng

Hội đồng thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hoạt động theo quy định tại Điều 49, Điều 50 và Điều 53 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

Chủ tịch Hội đồng ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng, Bộ phận kỹ thuật và Bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng.

Hội đồng tiền lương quốc gia có con dấu riêng và được quản lý tại Bộ Nội vụ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2025 và thay thế Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia và Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 27/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia./.

Theo Baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-23-5-2025-1-5047956.html