Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/7/2025
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/7/2025.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 106/CĐ-TTg ngày 9/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu rõ: Vào hồi 00 giờ ngày 09 tháng 7 năm 2025 đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo thuộc địa phận xã Hàm Liêm, tỉnh Lâm Đồng do xe ô tô chở khách biển kiểm soát số 78F-002.64 không chú ý quan sát, không giữ khoảng cách an toàn, dẫn đến gây tai nạn với xe chở khách biển kiểm soát 85F-000.37 nổ lốp dừng đỗ ven đường, hậu quả làm chết 03 người, bị thương nhiều người, hư hỏng 02 phương tiện. Ngay khi nhận được thông tin vụ tai nạn, Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo gửi lời thăm hỏi ân cần, chu đáo tới người bị thương và chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân tử vong; đồng thời chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và lực lượng Công an tới hiện trường để khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
Để kịp thời khắc phục hậu quả vụ tai nạn nêu trên và ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1- Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của Tỉnh:
a) Bố trí ngay mọi điều kiện về y tế, thuốc men để cứu chữa người bị nạn, hạn chế thấp nhất các tổn thất về người và tài sản của người dân; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên người bị nạn và gia đình các nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn;
b) Trực tiếp chủ trì tổ chức họp với các cơ quan, lực lượng chức năng đánh giá nguyên nhân, triển khai ngay các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập; đồng thời khẩn trương làm rõ các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp liên quan đến vụ tai nạn giao thông nêu trên theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, làm căn cứ để tuyên truyền, thực hiện các giải pháp phòng ngừa trong thời gian tới.
2. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (tỉnh Phú Yêu cũ) chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ của đơn vị kinh doanh vận tải đối với xe chở khách biển kiểm soát 78F-002.64, nhất là quy định về thời gian làm việc, điều kiện, sức khỏe của lái xe; xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các vi phạm của nhà xe, chủ xe (nếu có).
3. Bộ trưởng Bộ Công an
a) Chỉ đạo Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, gây ra vụ tai nạn nêu trên; lưu ý xử lý nghiêm đối với lái xe, chủ xe hoặc nhà xe và các cá nhân có liên quan trong trường hợp để xảy ra vi phạm quy định về thời gian làm việc, điều kiện, sức khỏe của lái xe trong vụ tai nạn nêu trên;
b) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô, đặc biệt là xe chở người khối lượng lớn; rà soát hệ thống thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm quy định về thời gian làm việc của người lái xe.
4. Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát, tổ chức giao thông hợp lý, khoa học trên các tuyến đường cao tốc, tăng cường tính năng an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực có điều kiện giao thông phức tạp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
5. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhất là quy định về thời gian làm việc, điều kiện, sức khỏe của lái xe, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các vi phạm của lái xe, nhà xe, chủ xe và các cá nhân có liên quan để phòng tránh các vụ tai nạn tương tự, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân và giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; cùng với Bộ Xây dựng thực hiện rà soát, tổ chức giao thông khoa học trên các tuyến đường cao tốc, tăng cường tính năng an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực có điều kiện giao thông phức tạp thuộc phạm vi quản lý để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hòa Liên - Túy Loan, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6363/VPCP-CN ngày 09/7/2025 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Đoàn kiểm tra số 1 về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hòa Liên - Túy Loan, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Cụ thể, tại văn bản số 6363/VPCP-CN, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc để bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công cho chủ đầu tư và các nhà thầu trước ngày 15/7/2025; tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân đã bàn giao mặt bằng tạo điều kiện để nhà thầu thi công "3 ca, 4 kíp" đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu tiếp tục chậm trễ.
Bộ Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công tăng cường nhân lực, thiết bị, chủ động tập kết nguồn vật tư, vật liệu, nguồn lực về tài chính…, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, thi công cả ngày nghỉ, ngày lễ để hoàn thành theo tiến độ đã cam kết; lưu ý, phải bảo đảm chất lượng, vệ sinh môi trường, an toàn lao động theo đúng quy định, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng, rút ngắn các quy trình, thủ tục công nghệ, lựa chọn loại vật liệu không đảm bảo tiêu chuẩn, mất vệ sinh môi trường, mất an toàn lao động trên công trường....
Nghiên cứu thông tin phản ánh về PMI và lộ trình kiểm tra tem nhãn
Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6338/VPCP-KTTH ngày 9/7/2025 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành.
Tại Báo cáo số 586/2025/TTĐT ngày 1/7/2025 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ điểm thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có 2 nội dung:
"PMI tháng 6 giảm xuống 48,9 điểm, lượng đơn hàng mới thấp nhất trong hai năm": Theo báo cáo từ S&P Global, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành Sản xuất Việt Nam (VN) của S&P Global đã giảm xuống mức 48,9 điểm trong tháng 6 so với 49,8 của tháng 5. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp PMI nằm dưới ngưỡng 50 điểm, báo hiệu sự suy giảm nhẹ của các điều kiện kinh doanh vào thời điểm sắp hết nửa đầu năm, đồng thời lượng đơn hàng mới đang ở mức thấp nhất trong hai năm. Các chuyên gia S&P Global nhận định, các nhà sản xuất VN tiếp tục đối mặt với tình trạng nhu cầu yếu kém trong tháng 6, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu. Mặc dù, lượng đơn hàng mới sụt giảm nhưng sản lượng ngành sản xuất lại tiếp tục tăng nhẹ. Về khía cạnh giá cả, chi phí đầu vào tăng nhẹ sau khi giảm vào tháng 5, từ đó khiến giá bán hàng tăng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2025 đến nay.
"Giãn lộ trình kiểm tra tem nhãn hàng hóa để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi" : Mặc dù kỳ vọng từ việc sáp nhập tỉnh thành, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn với các thủ tục từ việc cập nhật địa chỉ trên hóa đơn, thay đổi bao bì đến thủ tục ngân hàng, xuất nhập khẩu... Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc thương hiệu cà phê Meet More, cho biết Công ty chỉ đổi địa chỉ hành chính trên giấy tờ từ xã Nhị Bình (huyện Củ Chi) thành xã Đông Thành vì nhà máy vẫn ở nguyên vị trí cũ. Nhưng thị trường quốc tế không "linh hoạt" như trong nước nên mọi hồ sơ xuất khẩu đều gắn chặt địa chỉ đăng ký. Điều khiến DN lo lắng hơn là thời gian làm lại hồ sơ không hề ngắn khi đăng ký mã nhà sản xuất mới có thể mất 4 - 6 tháng, thậm chí lâu hơn với một số thị trường khó tính. Ngoài ra, bài toán đau đầu hơn với DN là bao bì khi tồn kho lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn đã in sẵn địa chỉ cũ nên DN phải làm lại từ đầu để thay bao bì. Do đó, ông Luận cho rằng các cơ quan quản lý cần giãn lộ trình kiểm tra tem nhãn để DN có thời gian chuyển đổi, tránh lãng phí các bao bì đã in. Bên cạnh đó, các DN cũng đang dồn lực điều chỉnh lại hệ thống phần mềm, hợp đồng... để đảm bảo xuất hóa đơn VAT, vì các hợp đồng đều phải chính xác địa chỉ. Ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty Lập Phúc, cho rằng Nhà nước nên có độ trễ hợp lý, cần có lộ trình cho DN từ 3 - 6 tháng để điều chỉnh từ từ.
Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu thông tin báo chí theo tổng hợp của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nêu trên; chủ động có giải pháp phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6321/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá.
Xét kiến nghị của UBND tỉnh Kiên Giang (nay là tỉnh An Giang) về việc đề xuất đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến như sau:
UBND tỉnh Kiên Giang (nay là tỉnh An Giang) khẩn trương hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Rạch Giá, trình Bộ Xây dựng phê duyệt theo quy định; triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Dự án mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật PPP và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính các cơ quan liên quan trong việc cập nhật quy hoạch, bố trí vốn và triển khai dự án.
Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Kiên Giang (nay là tỉnh An Giang) trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 04 bến cảng container mới tại Hải Phòng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1497/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 9, số 10, số 11 và số 12 - Khu bến Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 08/7/2025.
Dự án đầu tư trên được thực hiện tại đặc khu Cát Hải, thành phố Hải Phòng (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) với tổng vốn đầu tư là 24.846 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư của Dự án là đầu tư xây dựng 04 bến cảng container số 9, số 10, số 11 và số 12 khu bến Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng, góp phần hình thành hệ thống cảng biển hiện đại, với khả năng tiếp nhận tàu lớn sức chở 12.000 ÷ 18.000 TEUs; gắn kết cảng biển lớn với khu phi thuế quan, logistics phía sau cảng, đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hóa, qua đó nâng cao lợi thế, tạo động lực cho sự phát triển, thu hút đầu tư; khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (hệ thống cảng biển, logistics và khu công nghiệp liền kề sau cảng); đồng thời giúp cụ thể hóa và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.
Về quy mô đầu tư, dự án sẽ xây dựng 04 bến cảng container số 9, số 10, số 11 và số 12 với tổng chiều dài bến 1.800m (450 m/bến), tiếp nhận được tàu container có sức chở 12.000 đến 18.000 TEU và 400 m bến tiếp nhận sà lan để gom, rút hàng bằng đường thủy nội địa; xây dựng hệ thống bãi chứa container, xưởng sửa chữa, đường giao thông, các công trình phụ trợ cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bảo đảm mọi hoạt động khai thác cảng; đầu tư các thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa hiện đại, chuyên dụng phục vụ khai thác cảng; quy mô sử dụng đất (mặt nước) khoảng 146,2 ha.
Sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư: giai đoạn 1 (năm 2026 - 2030) xây dựng bến cảng container số 9, số 10; giai đoạn 2 (năm 2031 - 2035) xây dựng bến cảng container số 11, số 12.
Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, UBND thành phố Hải Phòng thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền và quy định. Thời hạn hoạt động của dự án không quá 70 năm. Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Quyết định cũng nêu rõ điều kiện đối với dự án và nhà đầu tư thực hiện dự án. Theo đó, phải có đủ điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai. Chỉ được thực hiện Dự án sau khi hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thủ tục, điều kiện về công nghệ sử dụng tại Dự án theo quy định của pháp luật về công nghệ và chuyển giao công nghệ. Phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an và các cơ quan có liên quan trong trường hợp phát sinh các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh trong quá trình thực hiện Dự án và trong trường hợp chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức thực hiện Dự án.
Giao đất, cho thuê đất thực hiện hoạt động lấn biển để triển khai Dự án
Quyết định nêu rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cụ thể, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về các nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư Dự án, nội dung kiến nghị việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện quản lý nhà nước theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan; hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển để thực hiện Dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và pháp luật có liên quan; đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí, thất thu ngân sách nhà nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và giám sát trong việc triển khai thực hiện Dự án; đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ hành lang bờ biển, khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo, tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước; xây dựng phương án phòng, chống ô nhiễm nguồn nước theo pháp luật về tài nguyên nước trong quá trình thi công các hạng mục của Dự án; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành các công trình và trong từng giai đoạn phát triển của Dự án; kiểm tra, giám sát việc huy động vốn, sử dụng vốn đầu tư của Nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện Dự án.
Bộ Xây dựng phối hợp và hướng dẫn Nhà đầu tư trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ Dự án trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; Nghiên cứu phương án đầu tư nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo kết nối đồng bộ với các bến cảng thuộc Dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu vào làm hàng tại các bến cảng; phương án đầu tư hệ thống giao thông kết nối khác bằng đường sắt, đường thủy nội địa theo các quy hoạch được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đi và đến các bến thuộc khu bến Lạch Huyện.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ, hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn và trong quá trình thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thực hiện hoạt động lấn biển, giao khu vực biển theo quy định của pháp luật về đất đai cho Nhà đầu tư để triển khai thực hiện Dự án.
Nhà đầu tư phải góp đủ vốn chủ sở hữu thực hiện Dự án
Đối với các nhà đầu tư sau khi được lựa chọn, phải có trách nhiệm đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu thực hiện Dự án; ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện Dự án theo quy định.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư phải tổ chức, triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, kinh doanh Dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và pháp luật có liên quan; lưu ý ý kiến của Bộ Xây dựng về lộ trình đầu tư từng bến cảng để bảo đảm hiệu quả khai thác; đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài phạm vi dự án theo các quy hoạch đã được phê duyệt.
Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai; Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà
Thành lập 3 Ban Quản lý Khu kinh tế
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký các Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai; Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi; Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh An Giang.
Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai
Quyết định 1498/QĐ-TTg quy định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu) trên địa bàn tỉnh Gia Lai; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu), khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thành lập Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi
Quyết định 1499/QĐ-TTg nêu rõ, thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum.
Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi (sau đây viết tắt là Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu), khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong các khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu), khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh An Giang
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1500/QĐ-TTg ngày 9/7/2025 thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh An Giang.
Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh An Giang (Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu kinh tế trên địa bàn đặc khu Phú Quốc, tỉnh An Giang; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật.
Các Ban Quản lý trên có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu hình Quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp của Ban Quản lý và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ban quản lý thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trưởng ban Ban Quản lý trình Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi, An Giang quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương hai cấp
Tại Văn bản 6352/VPCP-KTTH ngày 9/7/2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các cơ quan chức năng kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động rà soát, kịp thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ với việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; kịp thời tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương và các văn bản có liên quan bảo đảm việc tổ chức, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia không bị gián đoạn.
Các địa phương chủ động đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của địa phương, phối hợp chặt chẽ với các chủ chương trình, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp phù hợp cho giai đoạn tới.