Chị dâu cho được 3kg hải sản thì bóng gió chê nhà em dâu nghèo, câu nói của đứa cháu khiến chị 'đứng hình'
Đến tôi cũng ngỡ ngàng trước phản ứng của con.
Sau khi lấy chồng, tôi trở thành em dâu út trong nhà vì ông xã là con trai nhỏ nhất. Anh còn có 2 người anh trai, và cả 3 anh em đều đã “thành gia lập thất”, sinh con đẻ cái. Duy chỉ có vợ chồng 2 anh đã có nhà riêng, còn gia đình tôi thì vẫn ở nhà thuê. Chúng tôi đã dành dụm được ít tiền, dự tính qua Tết sẽ làm nhà.
Tôi có một cô con gái đang học lớp 3, đứa trẻ rất ngoan và xinh xắn. Trong 5 đứa cháu, bố mẹ chồng lúc nào cũng nhận xét con gái tôi hiền lành, nhanh nhẹn nhất. Con là đứa trẻ hiểu chuyện, rất hiếm khi đòi hỏi bố mẹ điều gì.
Ảnh minh họa
Cuối tuần vừa rồi chị dâu cả ghé nhà tôi chơi, lúc sang chị mang theo 3kg hải sản mua ở siêu thị, bảo là cho cháu gái.
- Nhà chị vừa đi biển về có 3kg hải sản, có tôm và cua cho cháu nó đây. Khổ nó đang tuổi lớn mà ít được ăn hải sản thì lại còi với lùn. Mà hai vợ chồng gắng để dành tiền rồi xây nhà ở, chứ ở nhà thuê hoài cũng không phải kế lâu dài đâu em dâu à!
Nghe chị dâu nói, tôi có chút chạnh lòng. Lúc này con gái đang ngồi chơi kế bên bỗng lên tiếng, nói một câu khiến cả tôi và chị dâu đều ngỡ ngàng.
- Sao bác lại nói thế nhỉ. Bố mẹ cháu bảo bác hay khinh nhà cháu đúng không ạ?
Ảnh minh họa
Phản ứng của cháu gái khiến cả tôi và chị dâu tôi mặt đỏ bừng vì xấu hổ, chị không biết nói gì, chỉ cười cười rồi sau đó xin phép đi về. Tôi không ngờ con gái mình lại có thể nói ra được những lời này. Hóa ra nhiều lần tôi "nói xấu" chị dâu với chồng trước mặt con, tưởng trẻ con nghe không hiểu gì nhưng hóa ra con rất để tâm đến những câu nói của người khác về gia đình mình. Ở tuổi này, con đã nhận thức được thế nào là giàu, nghèo. Vậy mà trước giờ tôi thấy con hiền lành, ngoan ngoãn, tưởng con vô tư vô lo lắm!
Sau khi chị dâu ra về, con gái với vẻ mặt buồn rầu tiếp tục hỏi tôi:
- Nhà mình có tiền, nhà mình giàu mà đúng không mẹ?
Tôi đứng hình trước câu hỏi của con. Có bố mẹ nào từng rơi vào tình huống thế này không, thời điểm đó mọi người sẽ phản ứng ra sao…
Tâm sự từ độc giả philinh…@gmail.com
Thực tế trẻ lên 3 tuổi bắt đầu bước vào khoảng thời gian tò mò, khám phá và luôn luôn đặt câu hỏi với cha mẹ ông bà. Chỉ cần một sự việc nhỏ nhưng trẻ có thể đặt ra "hàng vạn câu hỏi vì sao" để thỏa mãn được mong muốn hiểu biết của mình với thế giới xung quanh.
"Mẹ ơi, nhà mình giàu hay nghèo hả mẹ?"; "Mẹ ơi, sao bạn Minh được bố mẹ đón đi học bằng ô tô hả mẹ?...". Trẻ rất tinh ý để nhận ra được sự khác nhau giữa hoàn cảnh của mình với các bạn trong lớp, từ đó có suy nghĩ so sánh muốn được giải đáp.
Với câu hỏi của con, nếu bố mẹ trả lời nhà mình nghèo thì vô tình "bôi đen hoàn cảnh", nếu nói là giàu mà không đúng thực tế sẽ khiến trẻ lầm tưởng về điều kiện kinh tế, đòi hỏi những mong muốn vượt giới hạn của bố mẹ. Lúc này, cha mẹ nên trả lời ra sao?
Để trả lời câu hỏi này, cha mẹ cần tuân thủ những nguyên tắc xuất phát từ thực tế của hoàn cảnh gia đình mình.
1. Không nói dối về gia cảnh giàu hay nghèo
Có nghĩa là, với câu hỏi của con trẻ, trẻ muốn được nghe đáp án của bố mẹ là giàu hay nghèo nhưng những bậc cha mẹ không nên trả lời con bằng các câu khẳng định chắc chắn "Nhà mình giàu hoặc nhà mình rất nghèo con ạ!".
Khi bôi đen bằng việc vẽ ra gia cảnh nghèo khó, "bố mẹ không có tiền, con phải ngoan và học giỏi sau này kiếm nhiều tiền nuôi bố mẹ", các bậc cha mẹ vô tình tạo ra tâm lý dè chừng cho trẻ. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, câu nói đó có thể thúc đẩy sự cố gắng của trẻ nhưng đâu phải đứa trẻ nào cũng đủ lớn để hiểu được dụng ý của cha mẹ.
Với những đứa trẻ nhạy cảm, câu nói của bố mẹ có thể khiến trẻ tự ti với các bạn có hoàn cảnh khấm khá trong lớp, lâu dần có tâm lý e ngại, không dám tiếp xúc, tạo khoảng cách với những người bạn mà trẻ cho là giàu có.
Trong khi một vài đứa trẻ khác lại luôn có tâm lý nhà mình nghèo nên có xu hướng thích đồng tiền, sinh ra tính cách tham lam, bất chấp để có tiền.
Ngược lại, nếu nói "nhà mình rất giàu, bố mẹ kiếm tiền vất vả lắm mới giàu có như hiện tại để nuôi con ăn học" lại trở thành mũi dao đâm thẳng vào tương lai của con.
Trong trường hợp gia đình giàu có thật, trẻ luôn ỷ vào sự giàu có của bố mẹ để đòi hỏi mọi mong muốn, thậm chí nhiều phụ huynh cậy có kinh tế luôn đáp ứng tất cả những yêu cầu của con, cung cấp những thứ tốt nhất, đắt nhất. Lâu dần trẻ sẽ sinh ra tính cách trịnh thượng, cho mình là cấp trên, đòi hỏi người khác phải cung phụng mình. Trong tương lai, đứa trẻ đó khó trưởng thành được vì vốn quen được "ăn sung mặc sướng", bố mẹ chiều chuộng, cá biệt có trẻ hình thành tâm lý "nhà đầy tiền, bố mẹ thiếu gì tiền, cần gì phải lao động".
Với trường hợp gia cảnh thực tế không giàu như câu trả lời của bố mẹ, đứa trẻ vẫn nghĩ là nhà mình giàu nên chuyện đòi hỏi được như bạn này, bạn kia là đương nhiên. Bố mẹ không thể đáp ứng mãi nhu cầu của trẻ nên câu trả lời thành thật là điều qua trọng. Những đứa trẻ đó vô tình có thể trở thành kẻ ích kỷ, chỉ biết bản thân được đáp ứng, hưởng thụ mà không quan tâm bố mẹ đã phải vất vả như nào.
2. Thành thật với con trẻ
Hãy sống thật với con để chúng hiểu bố mẹ phải cố gắng hết sức để cho chúng một cuộc sống như vậy. Dù nói nhà mình giàu hay nghèo nhưng hãy để trẻ hiểu rằng, dù trong hoàn cảnh nào bố mẹ cũng luôn yêu thương, che chở và làm việc vì các con: Đối với một gia đình, tình yêu thương và sự lao động hi sinh mới là điều quan trọng.
Nếu bạn nói nhà mình nghèo, hãy nhấn mạnh rằng dù bố mẹ chẳng có nhà biệt thự to rộng, xe ô tô, điện thoại đắt tiền nhưng bố mẹ vẫn đang cố gắng làm việc để cho con đến trường, được học hành, có cơm ăn áo mặc.
Nếu nói nhà mình giàu cũng không quên nói về công sức tạo nên thành quả lao động như ngày hôm nay. Hãy nhấn mạnh điều đó để con không ỷ lại và có tính tự lập với cuộc sống.
Nói chung, dù câu trả lời ra sao thì điều quan trọng là bố mẹ hãy hướng con đến giá trị lao động, giúp trẻ hiểu và phấn đấu để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hoàn cảnh gia đình là nền tảng, bố mẹ là động lực thôi thúc, trong trường hợp này, hãy tranh thủ dạy con khi đứa trẻ thắc mắc, đây sẽ trở thành cơ hội để trẻ nhớ lâu nhất về bài học giá trị lao động đầu đời.