Chỉ dấu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Đoàn Ngọc Phúc – Trưởng khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, số lượng đơn hàng, việc làm mới là những gam màu sáng trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế của cả nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng, trong những tháng đầu năm 2024.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh cả về khối lượng trong 5 tháng đầu năm. Ảnh tư liệu

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh cả về khối lượng trong 5 tháng đầu năm. Ảnh tư liệu

PV: Trong bối cảnh thế giới đầy biến động bất lợi nhưng kinh tế Việt Nam đang có nhiều điểm sáng. Điểm lại bức tranh kinh tế Việt Nam, theo ông lĩnh vực nào được xem là điểm sáng ấn tượng nhất?

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Mặc dù hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn khách quan do xung đột địa chính trị… gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa…, nhưng xuất nhập khẩu vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế và là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2024. Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 305,53 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% (so với cùng kỳ năm trước); kim ngạch nhập khẩu đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2%.

Xét theo khu vực kinh tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu khoảng 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%; khu vực kinh tế nước ngoài xuất khẩu đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%. Nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 54,95 tỷ USD, tăng 24,2%; nhập khẩu khu vực kinh tế nước ngoài đạt 93,81 tỷ USD, tăng 14,8%.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh do tăng cả về giá và khối lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng của kim ngạch nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh cho thấy, sản xuất và tiêu dùng trong nước tăng cao là chỉ dấu về sự phục hồi của nền kinh tế.

PV: Theo ông, đâu là những yếu tố chủ yếu, quan trọng nhất tạo nên kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng qua?

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Nguyên liệu đầu vào, đơn hàng, nhân lực lao động, đóng góp của khu vực kinh tế FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) là những yếu tố quan trọng, góp phần chủ yếu cho tăng trưởng nền kinh tế nước ta trong những tháng đầu năm. Số lượng đơn đặt hàng mới trong 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng, đã khuyến khích các doanh nghiệp tăng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.

Tuy nhiên, kéo theo đó chi phí đầu vào cũng gia tăng đáng kể có thể khiến giá cả đầu ra tăng tạo áp lực lạm phát, qua đó tác động hạn chế nhu cầu trong những tháng còn lại của năm 2024. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước. Số lượng đơn hàng mới gia tăng, việc làm mới tạo ra cũng là những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

Việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng cao cả về số dự án và số vốn đầu tư, khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm sáng, trong bức tranh thương mại, đầu tư toàn cầu. Tính đến ngày 31/5/2024, cả nước có 1.227 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn đạt 7,94 tỷ USD, tăng 27,5% về số dự án và tăng 50,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm 2024 đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8%, là mức thực hiện cao nhất (cùng kỳ) trong 5 năm qua.

Việt Nam đang tham gia vào nhiều công đoạn quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, tiếp tục khẳng định là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài. Sự gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam không những cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện mà quan trọng hơn đó là sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài với triển vọng nền kinh tế Việt Nam.

PV: Với vai trò là đầu tàu kinh tế, ông đánh giá ra sao về đóng góp của TP. Hồ Chí Minh vào bức tranh kinh tế sáng màu này?

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Riêng TP. Hồ Chí Minh, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 948,9 triệu USD, tập trung vào các ngành chủ yếu như hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; hoạt động thông tin và truyền thông.

TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế cả nước, mặc dù chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 5,3%, thấp hơn mức bình quân cả nước, nhưng cũng khá ấn tượng trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Những số liệu trên cho thấy, sự hồi phục của nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm sẽ tạo đà tăng trưởng cho các tháng còn lại của năm 2024. Trong 5 tháng đầu năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết việc làm cho 138.135 người lao động, đạt 46,1% kế hoạch năm.

PV: Với kết quả đạt được trong những tháng đầu năm, ông dự báo về những yếu tố tác động cũng như triển vọng tăng trưởng của kinh tế nước ta những tháng cuối năm 2024?

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Mặc dù tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường nhưng kinh tế nước ta năm 2024 vẫn duy trì xu hướng tích cực. Một số điểm sáng như hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư tiếp tục là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam thuộc nhóm 5 nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,4% trong giai đoạn 2024 -2029.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những diễn biến mới xuất hiện, khó lường, có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại của năm 2024. Vì vậy, cả nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế đất nước và tạo động lực mới cho tăng trưởng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Dấu hiệu kinh tế tươi sáng hơn trong nửa cuối năm

Cán cân thương mại tháng 5/2024 trở lại nhập siêu (kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu), với 88,8% là hàng hóa nguyên liệu then chốt phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sản xuất, kinh doanh đang dần phục hồi, đặt ra kỳ vọng tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa trong nửa cuối năm 2024.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chi-dau-tich-cuc-ve-su-phuc-hoi-cua-nen-kinh-te-152752-152752.html