Chỉ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao mới phải làm báo cáo ĐTM
Theo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chiều 17-11, chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Chiều nay, 17-11, với tỷ lệ 91,91% ĐBQH biểu quyết tán thành, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua. Đây là một bộ luật lớn, gồm XVI chương, 171 điều, với 13 chính sách mới.
Cụ thể, theo dự thảo Luật được thông qua, về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường, tiếp thu ý kiến đa số các vị ĐBQH, Luật đã chỉnh lý theo hướng các tiêu chí được quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Trong đó, phân nhóm dự án đầu tư được thực hiện theo tiêu chí về môi trường thành 4 nhóm: I, II, III và IV.
Đáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định, chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (ĐTM).
Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường mức độ cao, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Một điểm mới đáng chú ý nữa là về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, sau khi lấy ý kiến các ĐBQH, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã chỉnh lý theo phương án đa số ĐBQH lựa chọn là giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh nơi có dự án đầu tư.
Cụ thể, khoản 3 Điều 35 Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định: UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của bộ, cơ quan ngang bộ, trừ đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này (tức trừ các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng – PV).
Đồng thời, Luật cũng quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình phối hợp với UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM.
Mặt khác, Điều 38 của Luật quy định cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM phải có trách nhiệm công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Riêng về việc tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan khi xây dựng báo cáo ĐTM, dự thảo Luật đã quy định việc tham vấn được thực hiện bắt buộc thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử và thêm một hoặc các hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, tổ chức họp lấy ý kiến.
Một quy định khác nhận được nhiều sự quan tâm tại dự án luật này là về giấy phép môi trường, được quy định từ điều 39 đến điều 48. Trong đó, luật quy định rõ việc phối hợp trong cấp giấy phép môi trường phải được tiến hành ngay từ giai đoạn thực hiện ĐTM; quy định rõ trình tự, thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM…
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.