Chị em U30 nên chọn loại mặt nạ giấy nào?
Đắp mặt nạ bấy lâu nay nhưng nàng đã biết mặt nạ của mình thuộc chất liệu gì, có xứng tiền mình mua?
Chắc hẳn chị em chúng ta đã quá quen thuộc với việc đắp mặt nạ dưỡng da mỗi tối. Dù đông hay hè, việc đắp mặt nạ cấp ẩm cho da là vô cùng cần thiết. Nghiện làm đẹp là thế, vậy nhưng bạn có bao giờ tìm hiểu kĩ về loại mask mình đang dùng không? Bạn có biết tại sao miếng mặt nạ mỏng manh mình đắp lên mặt khi thì có giá chỉ vài chục nhưng lại có loại siêu đắt không?
U30 rồi đừng dễ dãi với làn da mình, hãy cùng tìm hiểu để xem nên chi tiền như thế nào cho bộ mặt thương hiệu của chúng ta. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở chất liệu làm nên từng loại mặt nạ. Trên thị trường có vô vàn loại mask nhưng có thể nói đây là những loại phổ biến chị em thường lựa chọn nhất.
Vải không dệt (Non-woven fiber)
Đây là loại chất liệu rẻ tiền và phổ biến nhất (thường dùng trong khăn ướt, tã em bé…). Vải không dệt có kết cấu khá thô và gần giống như giấy. Ưu điểm của loại mask làm từ vải không dệt là thoáng khí. Nhưng ưu điểm này cũng là nhược điểm khi nó làm giảm khả năng đưa dưỡng chất vào da vì không khóa được lớp ẩm dưỡng chất, làm bay hơi nhanh.
Cotton
Đây là loại chất liệu tự nhiên được thu hoạch từ cây bông (thường dùng may quần áo, khăn…). So với vải không dệt, cotton cũng có giá thành khá rẻ, mềm mại và thoáng khí. Khả năng đưa dưỡng chất vào da tốt hơn một chút so với vải không dệt. Tuy nhiên cũng có nhược điểm tương tự đó là không ôm sát mặt, gây khó khăn cho việc di chuyển trong khi đắp.
Chất liệu bông thân thiện hơn nhưng nó cũng khá dày.
Hydrogel
Trong y tế, Hydrogel (dạng miếng dán) là chất liệu phổ biến dùng để điều trị vết thương trên da. So với vải không dệt và sợi cotton, Hydrogel có giá thành đắt hơn, nhưng lại có các ưu điểm vượt trội hơn hẳn. Đúng như câu nói: "Tiền nào của nấy", thành phần chính của Hydrogel có đến hơn 90% là nước với sự pha trộn giữa huyết thanh dưỡng da và gelatin, tạo cho mặt nạ cảm giác như một lớp màng thạch mát lạnh. Từ đó, nó cho khả năng giữ ẩm và làm mát da hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các dưỡng chất cũng được thẩm thấu sâu vào da tốt hơn 2 loại trên.
Bio-cellulose
Đây là loại chất liệu đắt tiền nhất so với 3 loại phía trên. Bio-cellulose là một loại vải không dệt cấu tạo từ những sợi xơ sinh học hoàn toàn tự nhiên hình thành từ những vi sinh vật được nuôi cấy trong môi trường nhiệt độ thấp.
Mặt nạ Bio-cellulose có độ bám dính trên da cực kì tốt (tốt hơn bông, nhưng không bằng hydrogel), khả năng hấp thụ dưỡng chất vào da cao, ít bị bay hơi mất chất như mặt nạ giấy thông thường. Kết cấu của mặt nạ Bio-cellulose gần giống như một loại gel ẩm, mát nhưng cấu trúc bên dưới lại dẻo dai và đàn hồi. Đặc biệt, mặt nạ này không hề bị khô trong quá trình sử dụng. Điểm trừ duy nhất là chi phí khá cao so với các loại khác.
Than hoạt tính (Charcoal)
Loại mặt nạ màu đen “như Bao Công” này thường được làm từ sợi tự nhiên kết hợp với thành phần than hoạt tính, mang lại cảm giác rất mịn màng và êm ái trên da. Ưu điểm lớn nhất chính là khả năng thanh lọc da, thải độc tố và loại bỏ dầu thừa, hỗ trợ làm giảm sưng viêm cho da mụn.
Lưu ý: Tùy thuộc vào các thành phần dưỡng chất có trong mỗi gói mặt nạ sẽ cho bạn hiệu quả cấp ẩm khác nhau. Tuy nhiên, chỉ riêng khác biệt về chất liệu cũng đã giúp tạo cho chúng ta trải nghiệm tốt hơn trong quá trình sử dụng. Các loại chất liệu như Hydrogel hay Bio-cellulose sẽ giúp bạn có cảm giác êm ái, mềm mịn và thông thoáng da trong khi đắp, đồng thời ôm sát mặt và dễ dàng di chuyển. Những chất liệu này còn giúp giữ ẩm cho da tốt hơn và đưa các dưỡng chất thẩm thấu sâu vào da. Sau khi đắp, làn da như được “hồi sinh” một cách rõ rệt, trở nên căng mọng mịn màng.