Chi gần 5 tỷ USD mua F-35A, Ba Lan lại làm Nga phát sốt
Ba Lan ký hợp đồng mua 32 tiêm kích F-35A do Mỹ chế tạo với tổng trị giá 4,6 tỷ USD, chiếc đầu tiên dự kiến bàn giao năm 2024.
"Siêu tiêm kích F-35 là mẫu máy bay sẽ đưa không quân Ba Lan vào thời đại hoàn toàn mới", Tổng thống Andrzej Duda phát biểu ngày 1-2-2020 sau lễ ký hợp đồng tại Học viện Không quân Deblin, khẳng định mẫu phi cơ này cùng tên lửa phòng không Patriot và pháo phản lực HIMARS của Mỹ sẽ củng cố an ninh quốc gia Ba Lan.
Hợp đồng được Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak và Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher ký, trong đó Warsaw đặt mua 32 tiêm kích F-35A với mức giá 87,3 triệu/USD chiếc. Các máy bay của Ba Lan sẽ thuộc phiên bản Block 4, được trang bị dù hãm giống mẫu F-35A của Na Uy để rút ngắn quãng đường hạ cánh và tăng độ bền cho cụm càng đáp.
6 chiếc đầu tiên trong hợp đồng dự kiến được bàn giao trong giai đoạn 2024-2025, nhưng sẽ triển khai tại Mỹ để huấn luyện 24 phi công và 90 kỹ thuật viên Ba Lan. Những phi cơ cuối cùng sẽ được chuyển cho Warsaw trước năm 2031.
Bộ Quốc phòng Ba Lan năm ngoái thông qua kế hoạch chi 48,5 tỷ USD để hiện đại hóa quân đội trong giai đoạn 2019-2026, đặt mục tiêu thay thế các phi đội tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-22 từ thời Liên Xô bằng chiến đấu cơ F-35A.
F-35A là phiên bản tiêm kích tàng hình được phát triển cho không quân Mỹ và các nước đồng minh. Đây là biến thể nhỏ và nhẹ nhất trong dòng F-35, có khả năng cơ động cao hơn nhiều so với mẫu F-35B thủy quân lục chiến và F-35C hải quân, cũng là mẫu F-35 duy nhất mang pháo GAU-22/A cỡ nòng 25 mm trong thân.
Giới chuyên gia cho rằng mua F-35A sẽ tăng tính đồng bộ cho không quân Ba Lan, lực lượng đang vận hành 48 tiêm kích F-16 Block 52+ của Mỹ. Việc Ba Lan sở hữu nhiều chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ không khỏi khiến Nga lo ngại, thời gian gần đây Ba Lan được mệnh danh là "Tiền đồn NATO chống Nga tại châu Âu". Các quan điểm của Warsaw tỏ ra cứng rắn với Matxcơva, nước này thường chỉ trích Nga là kẻ xâm lấn và cần phải ngăn chặn.