Chi hàng trăm nghìn USD học cách tạo dáng, cầm nĩa và cưỡi ngựa

Theo South China Morning Post, giới nhà giàu Trung Quốc sẵn sàng chi bộn tiền để học các nghi thức của quý tộc phương Tây.

Ngày nay, đối với từng người, từ “quý tộc” có ý nghĩa khác nhau. Trong xã hội phương Tây, quý tộc nghe có vẻ lạc hậu về mặt văn hóa. Thế nhưng với nhiều người Trung Quốc, đó có thể là một tham vọng lớn lao.

Năm 2017, Jing Daily có cuộc phỏng vấn Sara Jane Ho, nhà sáng lập trường học dạy nghi thức đầu tiên tại Trung Quốc - Institute Sarita. Khóa học nghi thức hàng tuần trị giá 10.000 USD chỉ dành cho giới nhà giàu Trung Quốc đã thành công vang dội. Tại đây, học viên được học cách phát âm các thương hiệu xa xỉ và cách cắt chuối bằng nĩa.

Học cách trở thành giới thượng lưu

Vào tháng 9 nămnay, Tian Pujun, vợ của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc Wang Shi, đã lọt top tìm kiếm Weibo với bài viết Three Generations Cultivate an Aristocrat. Trong bài viết, cô nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc thiếu giáo dục tốt, vì hầu hết người Trung Quốc có kiến thức nhưng thiếu văn hóa”.

Những đứa trẻ con nhà giàu được dạy trở thành quý tộc kiểu Tây. Ảnh: South China Morning Post.

Những đứa trẻ con nhà giàu được dạy trở thành quý tộc kiểu Tây. Ảnh: South China Morning Post.

Tian nhấn mạnh quan điểm của mình bằng câu chuyện về bữa tiệc tại một biệt thự ở Anh mà cô từng tham dự.

Tian cũng là nhà sáng lập Chengli Academy, một ngôi trường dạy các kỹ năng trong xã hội thượng lưu như cách cư xử trên bàn, cưỡi ngựa và quản lý tài sản cho giới siêu giàu Trung Quốc.

Học viện cũng tổ chức các chuyến đi để học viên kết nối với quý tộc Anh và giới nhà giàu Mỹ như nhà Rockefeller. Học phí hàng năm vào khoảng 140.000 USD, theo Sohu.

Học nghi thức đã trở thành một xu hướng trong giới siêu giàu Trung Quốc. Trẻ em thường được học cưỡi ngựa và chèo thuyền - những môn thể thao gắn liền với các gia đình quý tộc.

Bữa tối trên du thuyền thường xuất hiện trong các cuộc gặp gỡ giữa những người trẻ, mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ có truyền thống chèo thuyền để giải trí.

Trong khi đó, các chuyến du lịch cao cấp đến Paris (Pháp) hoặc London (Anh) cũng trở nên phổ biến trong những năm gần đây.

Guillaume Rúe de Bernadac là một trong những “huấn luyện viên” nghi thức nổi tiếng nhất Trung Quốc. Học viện Académie de Bernadac của ông đánh vào nhu cầu tự hoàn thiện và ưa chuộng văn hóa thượng lưu của người Trung Quốc.

Học viên trong các học viện nghi thức được dạy cách dùng dao, nĩa đúng cách. Ảnh: South China Morning Post.

Học viên trong các học viện nghi thức được dạy cách dùng dao, nĩa đúng cách. Ảnh: South China Morning Post.

Trong cuộc phỏng vấn với Jing Daily, ông mô tả khách hàng của mình “chủ yếu là phụ nữ Trung Quốc từ 25 tuổi đến 50 tuổi, tò mò, vui vẻ và hiện đại”. Các khóa học phổ biến nhất của học viện là cách cư xử trên bàn, cách đi đứng và tạo dáng chụp ảnh.

Ngoài ra, Rúe de Bernadac còn hợp tác với các thương hiệu xa xỉ như Cartier và Gucci để tổ chức những lớp học nghi thức cho khách hàng VIP của các thương hiệu này.

“Khách hàng của tôi là người Trung Quốc và rất tự hào về đất nước, nhưng họ vẫn muốn tự tin, hòa nhập với môi trường toàn cầu và cảm thấy thoải mái hơn”, ông tiết lộ.

Nhu cầu được kính trọng

Yingying Li, nhà sáng lập công ty tư vấn Yingfluencer và How China Works, giải thích hiện tượng này bằng tháp nhu cầu Maslow. Bà chỉ ra rằng ở cấp độ văn hóa, người tiêu dùng Trung Quốc đang ở mức “nhu cầu được quý trọng” - họ muốn chi tiêu nhiều hơn để cảm thấy được ngưỡng mộ và kính trọng.

Ngày nay, tầng lớp giàu có ở Trung Quốc đang chuyển sang tiêu thụ các trải nghiệm văn hóa và xã hội, nhưng nhu cầu về địa vị và sự khác biệt vẫn được giới nhà giàu coi trọng.

Nói một cách tương đối, các nước phát triển như Mỹ đã qua mức “nhu cầu được kính trọng” và chuyển sang theo đuổi những mục tiêu thuộc về tinh thần.

“Sự khác biệt về nhu cầu giải thích vì sao du khách Trung Quốc đến California ngày nay sẽ trải nghiệm tour rượu vang ở Thung lũng Napa. Cách đây vài năm, họ không làm vậy. Còn người phương Tây lại chi nhiều hơn cho thiền và tĩnh tâm”, South China Morning Post dẫn lời Li.

Con nhà giàu Trung Quốc được diện đồ hiệu, học cách trở thành quý tộc từ khi còn nhỏ. Ảnh: SCMP.

Con nhà giàu Trung Quốc được diện đồ hiệu, học cách trở thành quý tộc từ khi còn nhỏ. Ảnh: SCMP.

Theo SCMP, không tiếp cận nguồn gốc văn hóa Trung Quốc cùng với cuộc sống hiện đại hóa, nhiều người Trung Quốc muốn học cách cư xử phương Tây để kết nối với thế giới bên ngoài.

Theo một bài viết của New Yorker vào năm 2018 về trường học cư xử cuối cùng ở Thụy Sĩ, vai trò của phụ nữ trong xã hội và gia đình đã thách thức hệ thống trường học này.

Nhưng ở Trung Quốc, việc tham gia một trường học như vậy thể hiện cho khát vọng và tham vọng hòa nhập toàn cầu của phụ nữ.

Niềm tự hào văn hóa và dân tộc mạnh mẽ khiến văn hóa trở thành một vấn đề tế nhị đối với các thương hiệu xa xỉ phương Tây.

Ngày nay, có nhiều người trẻ Trung Quốc diện đồ Gucci, trả học phí trên trời cho các lớp học nghi thức phương Tây nhưng vẫn yêu cầu các thương hiệu giữ đúng bản sắc dân tộc cho họ.

Đối với những người ưu tú này, trở thành công dân toàn cầu là mục tiêu cuối cùng.

Đối với những thương hiệu xa xỉ đang muốn thu hút thế hệ trẻ Trung Quốc, hình tượng một công dân toàn cầu sành điệu là thứ tốt nhất họ có thể đem đến cho tầng lớp thượng lưu Trung Quốc.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chi-hang-tram-nghin-usd-hoc-cach-tao-dang-cam-nia-va-cuoi-ngua-post1016423.html