Chị Hoa mát tay

Thăm khu chăn nuôi tập trung của Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân), Thiếu tá QNCN Lê Thị Lê Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ (HPN) cơ sở lữ đoàn giới thiệu cho chúng tôi về mô hình chăn nuôi lợn đạt hiệu quả cao của Trung úy QNCN Phạm Thị Hoa, hội viên Chi hội Phụ nữ Phòng Kỹ thuật.

Trong dãy chuồng được xây dựng kiên cố, hơn 20 con lợn béo tròn sắp xuất chuồng, kế đó là chục chú lợn choai gối vụ cho lứa tiếp theo, tiếp nữa là con lợn nái chuẩn bị nằm ổ. Đang nhanh tay dọn dẹp vệ sinh khu chuồng trại, khi được hỏi chuyện, chị Hoa vui vẻ cho biết: “Từ khi được HPN cơ sở giúp đỡ về vốn, tôi mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi. Việc nuôi lợn khá phổ thông, tiền giống ban đầu không lớn, kết hợp với việc tận dụng được nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn, bên cạnh đó lại được đơn vị tạo điều kiện giải quyết đầu ra sản phẩm nên việc chăn nuôi của gia đình tôi khá ổn định”.

 Chị Phạm Thị Hoa chăm sóc đàn lợn.

Chị Phạm Thị Hoa chăm sóc đàn lợn.

Để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn tập trung như hiện nay, chị Hoa phải bỏ ra nhiều công sức từ củng cố chuồng trại đến sắm sửa vật dụng chăn nuôi. Hằng ngày, sau giờ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chị Hoa tranh thủ thu gom cơm, thức ăn thừa từ các bếp trong lữ đoàn về chuẩn bị bữa ăn cho đàn lợn. Những dịp lợn chuẩn bị đẻ, chị phải lót ổ thắp điện, canh trực cả đêm. Lợn con cho bú hơn một tháng lại tách mẹ nuôi thành lợn thịt. Từ một vài cặp lợn nái ban đầu, đến nay chị đã nhân rộng thành đàn lên tới vài chục con. Cứ thế đàn nọ kế đàn kia, mỗi năm gối vụ từ 2 đến 3 lứa lợn thịt.

Vừa chăm sóc đàn lợn, chị Hoa vừa tìm tòi, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm trên internet, học từ những người đã chăn nuôi, tham khảo tài liệu về chăn nuôi lợn để có thêm kiến thức từ khâu chọn giống đến khẩu phần ăn, đặc biệt là cách phòng tránh dịch bệnh. Theo chị Hoa: “Trong chăn nuôi, công tác phòng dịch rất quan trọng. Lợn phải được tiêm phòng các loại bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tiêu chảy… Bên cạnh đó, phải chú ý đến công tác vệ sinh chuồng trại, hạn chế dịch bệnh phát sinh”. Nguồn thức ăn chủ yếu tận dụng sản phẩm tăng gia và thức ăn thừa. Ngoài ra, chị đầu tư mua cám gạo, cám ngô, tuyệt đối không sử dụng các loại thức ăn tăng trọng, kích thích, tạo nạc. Nhờ sự chăm sóc chu đáo, cẩn thận, đàn lợn sau 5 tháng có thể xuất chuồng, trung bình mỗi con nặng khoảng 70-80kg.

Với những kết quả tích cực trong công tác chăn nuôi, Trung úy QNCN Phạm Thị Hoa đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành chỉ tiêu tăng gia của đơn vị. Thu nhập từ chăn nuôi góp phần cải thiện kinh tế gia đình, giúp chị Hoa yên tâm công tác. Số vốn đầu tư ban đầu sau khi thu lại, chị Hoa hoàn trả HPN cơ sở để tiếp tục hỗ trợ các hội viên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/chi-hoa-mat-tay-617374