Chi hội Bình Hòa: Gắn bó với những con tằm
Thôn Bình Hòa, xã Ðạ Pal, huyện Ðạ Tẻh nằm dọc theo con suối Ðạ Kho, là nơi những cư dân mới gắn bó với cây dâu con tằm. Những người nông dân Bình Hòa đã tập hợp nhau lại, đoàn kết, chung sức cho mục đích chung, đó là sản xuất ra những con kén đẹp, giúp bà con ngày càng no ấm hơn trên quê hương.
Chị Nguyễn Thị Hường, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm Bình Hòa chia sẻ, hầu hết bà con trong thôn là người quê gốc Nam Định, năm 1986 vào Đạ Tẻh xây dựng quê hương mới theo lời kêu gọi của Đảng. Đất sản xuất không nhiều, không hợp với nhiều loại cây trồng mà nằm dọc con suối Đạ Kho nên rất phù hợp với cây dâu tằm. Vì vậy, hầu hết 95 hộ dân của Bình Hòa chủ yếu sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm và với tình hình phát triển của nghề, cây dâu con tằm đã mang lại cho bà con thu nhập ổn định. Nhưng làm ăn một mình thì không dễ dàng. Bởi vậy, cuối năm 2017, qua khảo sát nhu cầu của bà con, Chi hội nông dân Bình Hòa đã ra mắt chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm làm kén chất lượng cao với mục tiêu cùng chung sức phát triển cây dâu con tằm. Thôn có 95 hộ thì chi hội tập hợp được 83 thành viên, chiếm hầu hết các hộ trồng dâu nuôi tằm trong thôn.
Chi hội thành lập, việc quan trọng nhất là giúp các gia đình trồng cây dâu được tốt, nuôi con tằm được khỏe. Vậy là mỗi buổi họp, bên cạnh các nội dung khác, bà con lại chia sẻ với nhau kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc dâu ra sao, cho tằm ăn bao nhiêu là hợp lý, phòng trừ dịch trên dâu, trên tằm thế nào. Rồi kỹ thuật bảo quản kén sao cho đẹp, cho cứng, những đại lý thu mua giá tốt. Cùng chi hội sản xuất, phối hợp được thời gian xuống giống dâu, lên né tằm nên bà con mua được giống, phân bón, vật tư các loại… với giá tốt hơn từng hộ đầu tư đơn lẻ. Việc chia sẻ ít lá dâu, giống dâu, hộp tằm con cũng là chuyện rất bình thường với các thành viên trong chi hội. Các thành viên cũng góp quỹ giúp nhau vượt khó, hiện số tiền quỹ gần 13 triệu đồng đang cho 3 hội viên vay để thêm chi tiêu vào nong, vào né.
Năm 2019, nhờ có sẵn chi hội nghề nghiệp, một nhóm 20 hộ nông dân đã được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay số tiền 600 triệu đồng để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Thay hệ thống né mới, nong mới tiên tiến hơn, trồng dâu lai siêu cao sản cho năng suất tốt hơn, các hộ đã có thay đổi rõ rệt trong sản xuất kén. Nhiều cải tiến trong nuôi tằm đã được chi hội ứng dụng như nuôi tằm dưới nền xi măng cho hiệu quả cao. Nếu năm 2017, các hộ nuôi tằm ở mức vừa phải, mỗi hộ 1-2 sào thì tới giữa năm 2019, có thêm 50 ha dâu lai cao sản được trồng, nâng sản lượng kén lên gấp đôi. Nhiều hộ trồng dâu nuôi 4-5 hộp tằm con/lứa, mang lại thu nhập không nhỏ. Toàn chi hội có 15 hộ giàu, 17 hộ khá, các hộ còn lại đều đủ ăn đủ mặc, nhà cửa ổn định. Cây dâu con tằm đã đóng góp không nhỏ vào thành tích năm 2019, Đạ Pal được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, một niềm vui, niềm tự hào của người dân địa phương.
Bà Đinh Thị Nhiễu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Pal đánh giá, Chi hội Bình Hòa hoạt động khá hiệu quả, thành viên đoàn kết, chia sẻ cùng vươn lên. Không chỉ lo cho kinh tế gia đình, thành viên của Chi hội Bình Hòa còn tham gia phong trào tại thôn, xã; các thành viên rất có ý thức giữ gìn môi trường cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Còn nhiều băn khoăn về chất lượng tằm con, về giá thu mua nhưng cơ bản, Chi hội trồng dâu nuôi tằm Bình Hòa đã và đang gắn bó, đoàn kết, phát triển vì cây dâu con tằm. Dọc dòng Đạ Kho hiền hòa, cây dâu con tằm đang đồng hành cùng người nông dân xây dựng nông thôn mới Đạ Pal bền vững.