Chi hội Luật gia VKSND Tp.Hải Phòng lấy ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp
Ngày 20/5, Chi hội Luật gia VKSND Tp.Hải Phòng tổ chức hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Chi hội Luật gia VKSND Tp.Hải Phòng thông tin, sau khi Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 và lấy ý kiến Nhân dân, Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 165 ngày 6/5/2025 về việc việc tổ chức lấy ý kiến các cấp Hội Luật gia về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Trên cơ sở này, Chi hội Luật gia VKSND Tp.Hải Phòng đã khẩn trương xây dựng kế hoạch lấy ý kiến với tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả. Qua đó, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao và thể hiện ý chí, nguyện vọng của giới luật gia Việt Nam trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 (Ảnh: NL).
Tại hội nghị, các hội viên Chi hội Luật gia VKSND Tp.Hải Phòng đã có 26 ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Cụ thể, về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 115, có 24 ý kiến tán thành và 2 ý kiến không tán thành. Theo các ý kiến không tán thành, dự thảo không quy định Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND là chưa hợp lý.

Ông Nguyễn Sơn Hà - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Tp.Hải Phòng, Phó Viện trưởng VKSND Thành phố, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: NL).
Ý kiến cho rằng, dự thảo chưa phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo đó, Nghị quyết 27 nhấn mạnh quan điểm: Bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan Nhà nước.
Nghị quyết cũng đòi hỏi, sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực Nhà nước của Ðảng, Nhà nước và Nhân dân; thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, mặc dù thực hiện chủ trương về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không tổ chức TAND, VKSND cấp huyện mà thay thế bằng các TAND và VKSND khu vực không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn. Tuy nhiên, vẫn còn TAND, VKSND cấp tỉnh.
Do đó, đề nghị giữ nguyên quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh đối với tất cả các vấn đề liên quan thuộc địa bàn cấp tỉnh.