Chi hội trưởng phụ nữ dân vận khéo
Hơn 16 năm gắn bó với công tác xã hội tại địa phương, chị H'Ai ở thôn Ðồng Ðò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh luôn nhiệt huyết, tận tâm với cuộc sống cộng đồng. Với vai trò, trách nhiệm của mình, chị đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của người dân, tham gia xây dựng đời sống mới.
Được lãnh đạo UBND xã Tân Nghĩa giới thiệu về gương chi hội trưởng phụ nữ dân vận khéo, tận tâm với các phong trào hoạt động xã hội tại địa phương, chúng tôi có dịp về thăm gia đình chị H’Ai. Tâm sự với chúng tôi, chị H’Ai cho biết từ năm 2003, chị được tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng phụ nữ, kiêm cộng tác viên dân số, hòa giải viên thôn Đồng Đò...
Chi hội phụ nữ thôn Đồng Đò có 100 hội viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế của các gia đình hội viên còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hội viên thuộc diện nghèo và cận nghèo còn khá cao. Trước tình trạng trên, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua do hội cấp trên phát động; chị H’Ai còn tích cực tuyên truyền gia đình hội viên mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao.
Là cộng tác viên dân số của thôn, chị luôn trăn trở trước tình trạng nhiều cặp vợ chồng vẫn còn sinh đông con. Do nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, việc tuyên truyền chính sách về dân số - KHHGĐ ở vùng dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn bởi tâm lý của bà con “mình đẻ con, thì mình nuôi”...
Bằng sự tận tâm, gần gũi, khéo léo phân tích và lý giải..., sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, “mưa dầm thấm lâu” và thấy được lợi ích của việc sinh đẻ ít con nên bà con vui vẻ nghe theo. Chị H’Ai chia sẻ: “Đầu tiên khi vận động cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai (đặt vòng, triệt sản) họ rất e ngại, bởi tâm lý sẽ gây nên bệnh tật. Khi họ đã được trang bị đầy đủ về kiến thức, nhận thức tốt về chủ trương, chính sách, họ tham gia rất nhiệt tình. Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ đều ý thức thực hiện khá tốt chính sách dân số - KHHGĐ. Toàn thôn có 9 ca triệt sản”.
Hiện nay, ngoài tuyên truyền, phổ biến các phong trào hoạt động của hội, chị H’Ai luôn nhắc nhở chị em thực hiện tốt công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác thải, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tại vườn rẫy, các tuyến kênh mương, đồng ruộng...; đồng thời tích cực tham gia các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Nói đi đôi với làm, thời gian qua, chị là tấm gương đi tiên phong thực hiện mô hình trồng nấm rơm, chuyển đổi trồng bắp trên diện tích lúa một vụ cung cấp thức ăn cho bò sữa với Công ty sữa Vinamilk; vận động bà con tại địa phương cùng tham gia mô hình. Bên cạnh đó, chị còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm rơm cho các hội viên phụ nữ ở các chi hội trên địa bàn xã cùng làm theo.
Ông Lê Ngọc Chánh - Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa nhận xét: “Gia đình chị H’Ai là một trong những gia đình tiêu biểu của xã. Với vai trò trách nhiệm của mình, chị luôn nhiệt tình với công tác xã hội tại địa phương; tích cực tuyên truyền, vận động gia đình hội viên và bà con trong thôn tham gia các mô hình phát triển kinh tế, xóa bỏ các tập quán lạc hậu và xây dựng đời sống mới ở cộng đồng dân cư”.
Không chỉ nhiệt tình với công tác hội ở cơ sở, chị H’Ai còn tích cực tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương, chị tham gia và đoạt giải ba Hội thi Hát ru do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức; đoạt giải nhất Hội thi nấu ăn với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” do huyện Di Linh tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6...
Đến nay, đời sống của người dân thôn Đồng Đò đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các phong tục không còn phù hợp tồn tại bao đời nay ở buôn làng dần được xóa bỏ. Nếu so với 5 năm về trước, thì các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể. Từ năm 2014 đến nay, toàn thôn chỉ xảy ra khoảng 5 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. “Đây là vấn đề mà địa phương đang quan tâm và thực hiện quyết liệt. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tuy đã có giảm, nhưng việc thách cưới là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở cùng tham gia thì hiệu quả mang lại sẽ cao hơn”, chị H’Ai trăn trở.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201908/chi-hoi-truong-phu-nu-dan-van-kheo-2958278/