Chi hơn 650 tỷ đồng để bình ổn giá xăng dầu 3 tháng đầu năm

Trong quý đầu năm, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã chi ra hơn 658 tỷ đồng, trong khi đó số tiền đã trích lập thêm lên tới hơn 1.681 tỷ đồng.

 Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang ở mức cao nhất từ đầu năm đến 2021 đến nay. Ảnh: Phạm Ngôn.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang ở mức cao nhất từ đầu năm đến 2021 đến nay. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu mới được Bộ Tài chính công bố, tính đến hết quý I/2023, tổng số dư quỹ đã tăng lên mức 5.640 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý I/2021 đến nay.

Theo Bộ Tài chính, so với quý liền trước, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tăng hơn 1.040 tỷ đồng.

Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 12/2022, số dư quỹ này được xác định là hơn 4.617 tỷ đồng. Trong quý đầu năm, các thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu đã trích lập thêm hơn 1.681 tỷ đồng vào quỹ và chỉ sử dụng hơn 658 tỷ đồng từ quỹ để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường.

Lãi phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá dương trong 3 tháng đầu năm là 2,42 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá âm trong quý I là 2,17 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, trong tổng số thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt nam (Petrolimex) là đơn vị có số dư quỹ đến hết quý I cao nhất với 1.985 tỷ đồng, chiếm 35% tổng số dư Quỹ bình ổn giá toàn ngành.

Ngoài ra, một số thương nhân đầu mối có số dư quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp hay Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM…

Ngược lại, toàn hệ thống vẫn còn 7 doanh nghiệp đầu mối có số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm, gồm Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (-513 tỷ). Các thương nhân đầu mối khác như Petro Bình Minh, Long Hưng, Trường An, Hải Linh, Tân Nhật Minh cũng ghi nhận âm hàng chục tỷ đồng.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 6/4, góp ý dự thảo Luật giá (sửa đổi) đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cần hạn chế mức thấp nhất vận động người dân, doanh nghiệp tham gia vào quỹ bình ổn này.

"Quỹ bình ổn giá là do Nhà nước trực tiếp quản lý và Nhà nước phải đầu tư từ ngân sách để khi có sự đột biến như giá xăng dầu thời gian qua thì Nhà nước sử dụng để can thiệp vào thị trường. Quỹ bình ổn giá là của Nhà nước mà vận động người dân tham gia thì sẽ không hay", ông nhìn nhận.

Về vấn đề duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu cho rằng nên duy trì quỹ này vì quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua đã tham gia vào thị trường, hạn chế mức giá trần của xăng dầu.

Tuy nhiên, hiện nay quỹ này giao cho doanh nghiệp quản lý là không hợp lý mà giao cho Bộ Tài chính bởi quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân mà giao doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, sử dụng tiền vào mục đích khác sẽ "không công bằng với người dân".

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chi-hon-650-ty-dong-de-binh-on-gia-xang-dau-3-thang-dau-nam-post1433656.html