Chỉ huy thiếu kinh nghiệm chiến đấu cản trở tham vọng của Trung Quốc
Giới phân tích đánh giá tình trạng chỉ huy trong quân đội Trung Quốc thiếu kinh nghiệm chiến đấu là lực cản cho tham vọng hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này.
Theo South China Morning Post, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua cố học theo mô hình của quân đội Mỹ để hiện đại hóa lực lượng tác chiến.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá những bất cập nội tại và hệ thống tổ chức chính trị của quân đội Trung Quốc đang khiến nỗ lực này gặp khó khăn.
Bắc Kinh đặt mục tiêu PLA trở thành lực lượng tác chiến hiện đại vào năm 2027 và trở thành quân đội "đẳng cấp thế giới" vào năm 2050. Đầu tháng 11, Quân ủy Trung ương Trung Quốc còn ra tài liệu hướng dẫn mới, tập trung vào hiệp đồng tác chiến giữa các quân, binh chủng.
Chi tiết tài liệu này không được Bắc Kinh công bố. Nội dung chủ đạo là khả năng phối hợp giữa các lực lượng tác chiến khác nhau và hệ thống vũ khí mới của PLA.
Một nguồn tin tiết lộ tài liệu có hơn 70% dựa trên hướng dẫn phối hợp tác chiến của quân đội Mỹ.
Nhóm lãnh đạo thiếu kinh nghiệm tác chiến
Theo chuyên gia quân sự Bắc Kinh Zhou Chenming, tài liệu hướng dẫn mới được soạn thảo do đại dịch Covid-19 đã ngăn PLA hoàn thành mục tiêu huấn luyện trong năm 2020.
Biểu hiện của việc không hoàn thành được giới quan sát ghi nhận trong đại hội đánh giá huấn luyện thường niên của quân đội Trung Quốc vào ngày 25/11. Chủ tịch Tập Cận Bình khi đó kêu gọi giới lãnh đạo quân đội "cải thiện toàn diện" công tác huấn luyện cho PLA, đồng thời nhấn mạnh những thách thức an ninh mới mà Trung Quốc đang đối diện.
Theo giới quan sát, một trong những lực cản đáng kể đối với PLA là thiếu chỉ huy có tài năng tác chiến thật sự.
"Khi bạn xem xét các thành viên trong Quân ủy Trung ương Trung Quốc, chỉ một người có kinh nghiệm tác chiến. Nhưng kinh nghiệm của ông ấy đã lạc hậu 4 thập kỷ", một nguồn tin giấu tên cho biết.
Những nhân vật chỉ huy khác mới trải qua một giai đoạn căng thẳng là đợt phóng thử tên lửa trên eo biển Đài Loan (1995-1996). Theo nguồn tin trên, chiến lược của Trung Quốc trong những năm qua đã thay đổi và tướng lĩnh đang chịu trách nhiệm cho những hệ thống vũ khí tinh vi hơn.
"Thời đó, tàu dân sự còn được dùng để chở tên lửa, vũ khí và trang thiết bị. Hiện nay, hải quân đã có đủ tàu hậu cần. Nhiệm vụ hàng đầu của họ là phối hợp với không quân, lực lượng tên lửa và thủy quân lục chiến trong những cuộc huấn luyện hiệp đồng để đảm bảo toàn bộ binh sĩ sẵn sàng chiến đấu", người này nhận định.
Theo nhà quan sát quân sự Liang Gouliang, ông Tập Cận Bình đã cảm nhận được "không khí khủng hoảng đáng kể" giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang ở nhiều điểm nóng.
"Với cương vị tổng chỉ huy PLA, ông Tập sẽ kỳ vọng tướng lĩnh có trách nhiệm cao hơn về xây dựng chiến lược huấn luyện, đảm bảo liên kết được mọi quân chủng PLA và 5 chiến khu", Liang nhận định.
Trước đây, các quân chủng và chiến khu của Trung Quốc hoạt động độc lập. Trách nhiệm tổ chức huấn luyện được đặt trên vai của chỉ huy các đơn vị. Ông Tập muốn thay đổi điều này và để cho nhóm tướng lĩnh hàng đầu chịu trách nhiệm lập kế hoạch huấn luyện quân đội, theo Liang.
Tướng lĩnh chưa bắt kịp "hiện đại hóa"
Dù khoảng 30% trong số 2 triệu quân nhân Trung Quốc hoàn thành giáo dục đại học, việc đảm bảo nhân sự cấp cao bắt kịp phát triển công nghệ quốc phòng vẫn là thách thức không nhỏ.
"Nhiều vũ khí và thiết bị mà tướng lĩnh chỉ huy quen thuộc đã bị thải loại trong chương trình hiện đại hóa của PLA vài thập kỷ qua, được thay thế bằng vũ khí thế hệ mới như máy bay tàng hình J-20, máy bay vận tải Y-20, hay tàu sân bay và tàu đổ bộ", Zhou cho biết.
Theo South China Morning Post, căng thẳng leo thang ở biên giới Ấn - Trung đã thúc đẩy PLA triển khai vũ khí mới đến vùng Himalaya, bao gồm cả máy bay vận tải Y-20 có khả năng chở thiết giáp và một số xe tăng chủ lực thế hệ mới.
Tuy nhiên, cách sử dụng những vũ khí này trong chiến tranh hiện đại vẫn là nội dung rất mới đối với giới lãnh đạo PLA.
Antony Wong, chuyên gia quân sự ở Macau, cho biết PLA muốn xây dựng chương trình huấn luyện theo mô hình của Nga và Mỹ. Trong đó, mọi nhân sự cấp cao và tướng lĩnh hàng đầu cần "được rèn luyện bằng thực chiến".
"Nhiều chỉ huy hiện nay của quân đội Mỹ đã trải qua một vài cuộc chiến ở Trung Đông. Trong khi đó, Nga rèn luyện và ươm mầm nhiều tài năng quân sự sau chiến tranh Chechnya vào năm 2000 và can thiệp vào nội chiến Syria từ năm 2011", Wong lưu ý.
Ông cho rằng giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc "nhận thức lại chiến tranh hiện đại".
"Việc nhấn mạnh thái quá vào lý lịch chính trị thay vì tài năng quân sự cũng là vấn đề rất lớn trong hiện đại hóa PLA", ông bổ sung.