Chi Lăng: Tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm chủ lực

Chi Lăng là huyện có nhiều vùng sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung . Do vậy, thời gian qua, chính quyền các cấp huyện Chi Lăng đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại , nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực.

Sản phẩm na của huyện Chi Lăng được trưng bày, quảng bá tại Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2024 tại Hà Nội

Sản phẩm na của huyện Chi Lăng được trưng bày, quảng bá tại Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2024 tại Hà Nội

Hiện nay, trên địa bàn huyện Chi Lăng đã hình thành một số vùng sản xuất như: vùng trồng na (2.600 ha), ớt (gần 800 ha), khoai tây (200 ha), thuốc lá (800 ha), hồi (1.500 ha)… Với nhiều sản phẩm chủ lực có diện tích trồng lớn, việc mở rộng thị trường tiêu thụ được chính quyền huyện đặc biệt quan tâm.

Để hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của địa phương, thời gian qua, huyện đã quan tâm thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm, UBND huyện phối hợp các ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ các cơ sở sản xuất đưa sản phẩm đi trưng bày, quảng bá tại các sự kiện, tuần lễ quảng bá, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực. Ngoài ra, huyện cũng thường xuyên tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, sự kiện lớn của huyện và của tỉnh.

Đơn cử như trong tháng 8/2024, chính quyền huyện Chi Lăng đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm đi trưng bày tại Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn tại Hà Nội. Qua sự kiện, đã có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng biết đến, tạo ra cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Ông Nguyễn Trí Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ cho biết: Tại Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2024 tại Hà Nội, HTX đã kết nối được với 4 đơn vị phân phối lớn, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang... Hiện trung bình mỗi năm, HTX thu mua và tiêu thụ khoảng 100 tấn na VietGAP, mang lại lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Tương tự như sản phẩm na, việc kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hồi cũng được huyện Chi Lăng chú trọng triển khai. Bà Nông Thị Ngân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn cho biết: Công ty được UBND huyện hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc kết nối với chính quyền các xã, thị trấn và người dân để xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm hồi. Hiện nay, công ty đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồi với người dân tại 4 xã: Thượng Cường, Gia Lộc, Bằng Hữu, Hòa Bình với tổng diện khoảng 400 ha.

Không chỉ 2 sản phẩm chủ lực trên, hiện nay, một số sản phẩm như khoai tây, ớt, thuốc lá... của huyện Chi Lăng cũng được thúc đẩy tiêu thụ hiệu quả, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất.

Ông Hoàng Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Vân An cho biết: Từ năm 2023, Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn đã liên kết, bao tiêu sản phẩm khoai tây của người dân trên địa bàn xã, với diện tích 10 ha, trên 40 hộ tham gia. Khi tham gia liên kết, sản phẩm khoai tây của người dân được công ty thu mua với giá từ 8.000 - 10.000/kg. Dự kiến năm 2024, chính quyền xã tiếp tục kết nối với công ty thực hiện liên kết, mở rộng diện tích lên 12 ha.

Thông qua những hoạt động kết nối đã góp phần quan trọng giúp các sản phẩm chủ lực của huyện Chi Lăng được tiêu thụ thuận lợi. Nhờ đó, nhiều vùng sản xuất của huyện mang lại giá trị kinh tế cao như: vùng trồng na trên 800 tỷ đồng; vùng trồng ớt trên 250 tỷ đồng, thuốc lá trên 150 tỷ đồng… Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện 2 năm gần đây đều đạt khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt năm 2024 dự ước đạt trên 2.900 tỷ đồng.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu, xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân; đồng thời, tham mưu thực hiện những giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, từ đó nâng giá trị và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm địa phương.

Với những giải pháp cụ thể mà các cấp, các ngành của huyện Chi Lăng đã và đang triển khai trong việc hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đã từng bước giúp người dân gia tăng hiệu quả sản xuất, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

KIM CHI - LIỄU CHANG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chi-lang-tim-kiem-thi-truong-tao-dau-ra-cho-san-pham-chu-luc-5024220.html