Chi lớn cho World Cup, Qatar dự định 'bội thu' về kinh tế

FIFA World Cup 2022 diễn ra tại Qatar từ 20/11 đến 18/12 được nước chủ nhà chi tới 200 tỷ USD để tổ chức với hy vọng tạo nên cú hích lớn về kinh tế.

Theo báo cáo của Liên đoàn Bóng đá Thế giới và Chính phủ Qatar, đất nước Hồi giáo với diện tích chỉ vỏn vẹn gần 12km2 đã chi tới 220 tỉ USD để tổ chức Giải Vô địch Bóng đá thế giới (World Cup). Số tiền này lớn gấp hơn 14,6 lần số tiền chi lớn nhất trước đó của Brazil năm 2014, 15 tỷ USD.

Thông tin từ Deloitte và các tuyên bố chính thức được đưa ra, để xây dựng 8 sân vận động cho giải đấu, Qatar đã chi 6,5 tỷ USD. Lớn nhất là sân vận động Lusail có sức chứa 80.000 chỗ ngồi, các sân vận động khác đều có quy mô từ 40.000 đến 60.000 chỗ ngồi. Ấn tượng nhất là sân vận động 974, được làm từ các thùng container và sẽ được tháo dỡ hoàn toàn sau khi giải đấu kết thúc.

Sân vận động Lusail, sân vận động lớn nhất trong kì World Cup năm nay

Sân vận động Lusail, sân vận động lớn nhất trong kì World Cup năm nay

World Cup 2022 cũng sẽ là lần đầu tiên các cầu thủ và cổ động viên được hưởng điều hòa nhiệt độ trong sân bóng do khí hậu khắc nghiệt ở đây. Công nghệ Qatar Showcase hứa hẹn sẽ không làm gián đoạn các trận đấu, đem lại sự thoải mái trong quá trình thi đấu của các cầu thủ và sự cổ vũ cuồng nhiệt của người hâm mộ.

Hàng triệu hạt giống cỏ đã được nhập khẩu từ Mỹ tới Qatar trong điều kiện thời tiết lý tưởng để đáp ứng yêu cầu của 8 sân đấu chính thức, bên cạnh 136 sân tập để phục vụ các đội tuyển. Nước chủ nhà còn chuẩn bị sẵn cỏ dự trữ bao phủ 1 cánh đồng rộng lớn ở phía bắc thủ đô Doha, vừa vặn với 40 sân cỏ đủ kích thước.

Bên cạnh đó, hàng chục tỷ USD cũng được chi để xây dựng một tuyến tàu điện ngầm, sân bay mới, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác trước các trận đấu. Thậm chí, một đô thị mới là thành phố Lusail đã được nước chủ nhà dày công dựng lên, giá trị ước tính 45 tỷ USD. Quan chức FIFA và các cầu thủ được ưu ái dành cho hàng nghìn phòng khách sạn cao cấp.

Resort sang trọng Al Messila, nơi lưu trú của đội tuyển quốc gia Pháp, đương kim vô địch của giải đấu

Resort sang trọng Al Messila, nơi lưu trú của đội tuyển quốc gia Pháp, đương kim vô địch của giải đấu

Các đội bóng tham dự lưu trú tại các khách sạn xa hoa đạt tiêu chuẩn 5 sao và gần sân tập tốt nhất có thể tại thủ đô Doha và các vùng lân cận. Đơn cử, đương kim vô địch Pháp sẽ lưu trú tại Al Messila, một resort sang trọng bậc nhất Qatar, có spa rộng hơn 1.300m2.

Giám đốc FIFA World Cup Qatar 2022, ông Nasser Al Khater cho rằng quốc gia này dự kiến thu hút khoảng 1,5 triệu khách trong kì World Cup sắp tới. 17 tỷ USD có thể sẽ là số tiền mà giải bóng đá lớn nhất hành tinh mang về cho họ - thấp hơn một chút so với dự báo trước đó là 20 tỷ USD.

Công ty nghiên cứu Capital Economics của Anh cho rằng, doanh số bán vé cho thấy sẽ có khoảng 1,5 triệu khách du lịch tới Qatar để cổ vũ World Cup. Theo tính toán của công ty này, nếu mỗi du khách ở lại Qatar trong 10 ngày và chi 500 USD/ngày thì tổng cộng, chuyến đi của du khách này cũng trị giá khoảng 5000 USD. Con số mà nền kinh tế Qatar có thể nhận được chỉ từ khách du lịch đã lên tới 7,5 tỷ USD trong thời gian giải đấu diễn ra, chưa kể những hạng mục khác.

Từng là một làng chài nhỏ nghèo khó bên trong vịnh Ba Tư, trước khi độc lập vào tháng 12/1971, người dân đất nước này sống dựa vào đánh bắt cá và mò ngọc trai. Nhưng kể từ những năm 70 của thế kỷ XX, dầu mỏ và khí đốt đã đưa đất nước Hồi giáo này trở nên vô cùng giàu có.

Hiện Qatar là nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn thứ 3 thế giới và một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. GDP bình quân đầu người của nước này là 61.791 USD, đứng thứ 10 toàn cầu, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Giàu có như vậy nên người dân Qatar được hưởng nhiều quyền lợi. Họ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, làm việc trong chính phủ với mức lương cao, miễn phí giáo dục và chăm sóc y tế cũng như có một mức lương hưu hào phòng. Các đôi vợ chồng mới cưới được hỗ trợ tài chính. Người dân được hỗ trợ mua nhà, nhận các khoản trợ cấp lớn về điện, nước và nhiên liệu.

Qua việc đăng cai World Cup 2022, Qatar tham vọng thu lại lợi ích kinh tế lớn

Qua việc đăng cai World Cup 2022, Qatar tham vọng thu lại lợi ích kinh tế lớn

Dù sự thịnh vượng của Qatar chủ yếu đến từ tài nguyên thiên nhiên, nhưng sức mạnh thị trường dựa vào xuất khẩu năng lượng cũng đối mặt với sự bấp bênh về thu nhập. Vì vậy, với tham vọng trở thành một trung tâm của khu vực Ả Rập về kinh doanh và du lịch, nước này đã chú ý đến các mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế không phụ thuộc vào năng lượng.

Đăng cai World Cup 2022 chính bước đệm đầu tiên để Qatar thực hiện các bước chuyển đầy tham vọng trên và thực hiện “Tầm nhìn quốc gia” đến 2030. Họ hy vọng World Cup có thể thúc đẩy sự phục hồi mạnh của FDI, đặc biệt sau khi nước này gần đây đã cho phép doanh nghiệp FDI sở hữu 100% vốn tại tất cả các lĩnh vực.

World Cup 2022 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 20/11 với trận đấu giữa đội tuyển chủ nhà Qatar và Ecuador vào 23h00 theo giờ Việt Nam.

Hoàng Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chi-lon-cho-world-cup-qatar-du-dinh-boi-thu-ve-kinh-te-226533.html