Chị Mai và câu chuyện 'Mỗi người dân là một đại sứ du lịch'

Chiều 26/8, chị Ngô Thị Tuyết Mai (45 tuổi, ngụ khu phố 10, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết), người hành nghề bán vé số đã có hành động rất đẹp khi nhặt được một túi xách rơi trên đường Nguyễn Đình Chiểu với nhiều tài sản và lập tức mang đến Công an phường Mũi Né để nhờ trả lại cho người đánh mất.

Chủ nhân chiếc túi xách là một nữ du khách đang nghỉ dưỡng tại khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né đã vô cùng vui mừng, xúc động khi nhận lại được những tài sản quý giá của mình.

Chia sẻ về hành động của mình, chị Mai cho biết lúc đó chỉ nghĩ đến du khách bị mất chắc là sẽ rất lo âu và sẽ mất vui cho chuyến đi du lịch, nên chị đến công an trình báo vụ việc là cách nhanh nhất để du khách mất tài sản được sớm nhận lại, để chuyến đi du lịch tại Bình Thuận trọn vẹn.

Hành động đẹp của chị Ngô Thị Tuyết Mai (ảnh) cần được lan tỏa.

Hành động đẹp của chị Ngô Thị Tuyết Mai (ảnh) cần được lan tỏa.

Hành động không tham của rơi của chị Mai, dù hoàn cảnh khó khăn phải đi bán vé số mưu sinh, không chỉ thể hiện nghĩa cử cao đẹp “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, mà còn thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân góp phần phát triển du lịch địa phương.

Tuy nhiên, cũng trong ngày đó, một hình ảnh làm nhiều người không khỏi bức xúc xảy ra tại bãi biển khu vực Long Sơn – Suối Nước, thuộc phường Mũi Né, khi những người bán hàng quán ăn uống tại khu vực bãi biển này đã có hành động vệ sinh rửa chén bát và vứt cả một thao rác là hộp xốp xuống biển làm trắng xóa một khu vực. Hình ảnh từ video do chính du khách ghi lại cho thấy, ý thức rất kém của người chủ quán trong việc bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch. Vụ việc này Công an phường Mũi Né cho biết đang xác minh để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với người đổ rác xuống biển. Đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan của phường tiến hành tháo gỡ các hàng quán lấn chiếm bãi biển để buôn bán gây nhếch nhác, ô nhiễm môi trường.

Có thể nói thời gian qua, địa phương và ngành du lịch đã rất nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp làm du lịch trong việc xây dựng hình ảnh du lịch Bình Thuận với môi trường vệ sinh sạch, đẹp - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, lấy phương châm “làm hài lòng du khách, ấm lòng chủ nhà”. Trong đó công tác vận động, tuyên truyền được hướng đến cơ sở, cộng đồng dân cư và những hành động đẹp như chị Mai đối với du khách là những kết quả cho công tác đó.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần thẳng thắn nhìn nhận một bộ phận dân cư, người làm du lịch vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện trong phát triển du lịch bền vững. Theo đó vẫn còn đâu đó tình trạng chưa mến khách, thiếu ý thức bảo vệ môi trường, hay cân gian hải sản, bán thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hay chặt chém...Những hành vi kinh doanh theo kiểu “ăn sổi, ở thì” đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển chung của du lịch Bình Thuận mà chính họ cũng đang là những người được hưởng lợi từ du lịch mang lại.

Du lịch địa phương phát triển bền vững thì cộng đồng dân cư cũng không thể tách rời, mà ngược lại sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng hình ảnh điểm đến. Do vậy, để không còn những hành vi lệch lạc, tiêu cực ảnh hưởng đến du lịch như nói ở trên và để có thêm nhiều hành động đẹp như câu chuyện của chị Mai, thì đòi hỏi chúng ta phải cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động tuyên truyền. Để qua đó, người dân hiểu tầm quan trọng của xây dựng hình ảnh du lịch, để “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”, từ đó cùng chung tay xây dựng “Bình Thuận - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

PHÚC SINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chi-mai-va-cau-chuyen-moi-nguoi-dan-la-mot-dai-su-du-lich-123610.html