Chỉ một học sinh đến lớp vì các thành viên khác đều là F0, F1
Đi học trực tiếp trở lại, nhiều học sinh đã chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh điểm danh sĩ số của lớp với 'lác đác' vài thành viên có mặt, số lượng còn lại vắng do đều là F0, F1.
"Thời gian đầu, khi lên lớp và phát hiện mình là thành viên duy nhất đi học trực tiếp, em thấy hơi vui vì được trải nghiệm cảm giác học một mình. Tuy nhiên, về sau em thấy buồn chán, không ai nói chuyện", Chu Hoàng Lân kể về ngày đi học của mình.
Hoàng Lân là học sinh lớp 11A6, THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội). Lân cho biết tình trạng "lớp học một thành viên" bắt đầu từ khoảng 2 ngày là 17 và 18/2. Trước đó, Lân là F2 nên không thuộc đối tượng được học trực tuyến tại nhà.
Hình ảnh bảng điểm danh của lớp Hoàng Lân đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội vì có 6 thành viên là F0 và 38 thành viên là F1 nghỉ học. Lân kể cảm giác khi trở thành "sĩ tử duy nhất" trên lớp không quá đáng sợ vì thầy cô dạy kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, có bạn bè cùng học qua zoom.
"Các giáo viên ai cũng bất ngờ khi bước vào lớp em. Trong khi dạy, thầy cô đều hỏi em có hiểu không rồi mới tiếp tục giảng bài. Thầy dạy môn Vật lý còn hỏi tên em để 'cuối năm thưởng điểm'. Tham gia lớp học, em có nhiệm vụ đặc biệt là giúp thầy cô chuẩn bị thiết bị dạy học trực tuyến", Lân chia sẻ.
Đặng Trường Sinh, học sinh lớp 10 tại một trường ở Hà Nội, cho biết sĩ số lớp của mình trong 2 tuần qua là 28/47. Sinh nhận thấy lớp buồn chán hơn khi vắng một nửa.
Để đảm bảo tất cả học sinh cùng nắm vững kiến thức, lớp học của Sinh đã tổ chức dạy song song giữa trực tuyến và trực tiếp. Nam sinh cho biết hạn chế của hình thức này là nhiều bạn F0, F1 ở nhà khó nhìn được chữ trên bảng vì nhỏ và mờ.
Là F0 được nghỉ ở nhà học trực tuyến, Vũ Như Quỳnh bất ngờ khi biết sĩ số lớp hiện tại còn 6/45 bạn. Trong 39 thành viên vắng mặt, lớp 12A9, THPT Thạch Thất (Hà Nội) của Quỳnh có 4 học sinh là F0.
"Em biết nhiều lớp ở trường cũng có tình trạng học sinh vắng vì trở thành F0, F1, nhưng lớp em là kỷ lục. Em nghĩ các bạn đi học sẽ rất buồn vì chỉ 'lác đác' vài thành viên", Quỳnh nói.
Do tình trạng sức khỏe không ổn định nên Quỳnh không thể tham gia các buổi học trực tuyến song song với trực tiếp của nhà trường. Nữ sinh mong muốn mau chóng khỏi bệnh để trở lại lớp học. Quỳnh nhận định khi đến lớp, học sinh sẽ có thêm động lực để học tập.
"Em nghĩ được trực tiếp nghe giảng, bản thân sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn so với học trực tuyến. Đôi khi, học online mình bị xao nhãng một chút là không thể biết thầy cô vừa giảng gì", Quỳnh nói.
Chung tình huống, bốn ngày trở thành F1, Thu Uyên, học sinh lớp 9 ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong quá trình học online vì hình ảnh giáo viên trình chiếu từ bảng không rõ chữ.
Bên cạnh đó, âm thanh lớp học quá ồn cũng làm Uyên không nghe được lời giảng của thầy, cô. Khi phản ánh tình trạng này với giáo viên, Uyên chỉ nhận được giải pháp là “chú ý nghe giảng hơn”.
Đến ngày 21/2, Hà Nội mở cửa trường học đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ở 18 huyện, thị xã, học sinh từ lớp 7 trở lên tại các trường ở 12 quận. Riêng trẻ từ lớp 1 đến lớp 6 nội thành vẫn học online.
Theo quy định hiện tại, các trường mới chỉ dạy học trực tiếp một buổi/ngày và chưa tổ chức bán trú. Tuy nhiên, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho hay sở đã trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt việc cho phép các trường dạy học trực tiếp 2 buổi/ngày, tổ chức ăn bán trú, vận hành lại dịch vụ xe đưa, đón học sinh từ 21/2.