Chi ngân sách chủ động, gắn với mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô

Với kết quả chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 chuyển biến tích cực, trong 6 tháng cuối năm 2024, TP. Hà Nội tiếp tục tăng cường quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững của Thủ đô.

 Dự án đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 dự kiến về đích năm 2025. Ảnh tư liệu

Dự án đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 dự kiến về đích năm 2025. Ảnh tư liệu

Triển khai kịp thời một số nhiệm vụ chi đặc thù

Số liệu từ Sở Tài chính Hà Nội cho thấy, tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm ước thực hiện 47.973 tỷ đồng, đạt 34,0% dự toán năm và tăng 24,2% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 22.871 tỷ đồng, đạt 28,2% dự toán và tăng 43,6% so với cùng kỳ. Chi thường xuyên ước thực hiện 25.065 tỷ đồng, đạt 43,8% dự toán và tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Phân bổ dự toán chi đúng định mức, chính sách, chế độ

Theo quyết định giao dự toán ngân sách địa phương năm 2024 của UBND TP. Hà Nội, tổng chi là 146.428,9 tỷ đồng, gồm chi đầu tư phát triển 81.033,2 tỷ đồng và chi thường xuyên 57.254,4 tỷ đồng. Về việc phân bổ dự toán chi ngân sách, đối với phân bổ vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đã ưu tiên bố trí vốn tập trung cho các dự án chuyển tiếp đảm bảo hoàn thành theo tiến độ; đối với kinh phí thường xuyên, cơ bản đã đảm bảo phân bổ đúng định mức, chính sách, chế độ và thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định.

Báo cáo của UBND TP. Hà Nội đánh giá, 6 tháng đầu năm 2024, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chi của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ các năm trước, đặc biệt là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Để đạt kết quả này, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải kịp thời, phân bổ giao dự toán ngân sách năm 2024 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) để các đơn vị triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm. Ngân sách các cấp chủ động tổ chức điều hành chi ngân sách theo dự toán ngân sách, bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch, đặc biệt là các nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, các chính sách an sinh - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất khác phát sinh.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã triển khai kịp thời một số nhiệm vụ chi đặc thù. Đơn cử như, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do vụ cháy ngày 24/5/2024 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội; bố trí kinh phí tổ chức thực hiện các hoạt động tôn vinh, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) trên địa bàn TP. Hà Nội…

Đặc biệt, thành phố đã thực hiện việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, hướng dẫn của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư. Thành phố đã chỉ đạo thực hiện giao kế hoạch đầu tư công từ tháng 12/2023 và hoàn thành công tác nhập dự toán trên hệ thống Tabmis đảm bảo giải ngân kịp thời cho các dự án đầu tư.

Không những vậy, ngay từ đầu năm, TP. Hà Nội đã quán triệt các đơn vị tập trung giải ngân đầu tư công. Thành phố thường xuyên chỉ đạo rà soát, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2024 để đảm bảo phù hợp với nguồn lực ngân sách và tiến độ thực hiện các dự án; tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành...

Bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư

Ông Nguyễn Xuân Lưu - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội nhận định, nhìn chung, chi thường xuyên trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt khá, tuy nhiên một số lĩnh vực có tỷ lệ giải ngân tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn còn thấp so với dự toán. Dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2024 trung ương giao cho thành phố rất cao (gấp 2,24 lần so với dự toán năm 2023 và gấp 2,4 lần so với thực hiện năm 2023) nên kết quả thu 06 tháng đầu năm mới ước đạt 30,5% dự toán, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chi đầu tư xây dựng cơ bản của một số quận, huyện.

Ngoài ra, mặc dù, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong 06 tháng đầu năm 2024 đã có sự cải thiện so với cùng kỳ các năm trước nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhưng vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân của các dự án…

Phó Chủ tịch TP.Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm, TP. Hà Nội sẽ chủ động điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương các cấp, tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, khả năng thu ngân sách và tiến độ thực hiện một số nguồn thu gắn với dự toán chi đầu tư phát triển.

Thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp hữu hiệu, cơ cấu lại thu, chi NSNN theo hướng cân đối hợp lý nguồn thu từ thuế, phí cho chi thường xuyên, góp phần tích lũy nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, quản lý chặt chẽ chi NSNN, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi có nguồn đảm bảo.

Song song đó, thành phố rà soát, sắp xếp, điều chỉnh dự toán chi theo quy định; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết và khi nguồn thu dự kiến không đạt dự toán; giảm các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong nước, nghiên cứu, khảo sát nước ngoài để dành nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,…

Thành phố còn tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư...

Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của từng ngành, từng đơn vị để giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại NSNN…/.

Hà Nội tăng mức chi cho các chính sách đặc thù

Kỳ họp thứ 17 khóa 16-HĐND TP. Hà Nội đã thông qua các Nghị quyết về việc quy định chính sách đặc thù hỗ trợ trợ cấp đối với người có công; mức chi đặc thù các hoạt động kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô.

Theo đó, Nghị quyết quy định mức chi trợ cấp người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công bằng 0.5 lần mức chuẩn trợ cấp người có công. Do đó, hàng tháng người có công và thân nhân sẽ được thành phố hỗ trợ 1.027.500 đồng/tháng. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ thay đổi khi quy định về mức chuẩn trợ cấp người có công thay đổi: Trường hợp 1 cá nhân hưởng chính sách ưu đãi của nhiều loại đối tượng người có công và thân nhân nêu trên, thì nhận hỗ trợ đối với 1 loại đối tượng.

HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định chi hỗ trợ hoạt động thăm và tặng quà gia đình chính sách người có công trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô trong kháng chiến chống Pháp nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Theo đó, mức chi hỗ trợ thăm và tặng quà các đối tượng này là 72,9 tỷ đồng, trong đó có 12.150 suất quà, mỗi suất quà trị giá 6 triệu đồng; chi hỗ trợ hoạt động thăm, tặng quà 57 Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hà Nội còn sống, dự kiến kinh phí 627 triệu đồng.../.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chi-ngan-sach-chu-dong-gan-voi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-thu-do-154316-154316.html