Chi ngân sách thay đổi thế nào khi tăng lương hưu, các loại trợ cấp từ 1/7?

Theo dự kiến, từ ngày 1/7 tới đây, lương hưu và một loạt chính sách trợ cấp sẽ được điều chỉnh tăng thêm, bao gồm trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có báo cáo đánh giá tác động của chính sách điều chỉnh lương hưu và các loại trợ cấp dự kiến tăng từ ngày 1/7 tới. Trong đó, đã dự kiến nguồn kinh phí điều chỉnh của mỗi chính sách nếu được thực hiện trong nửa cuối năm 2024.

Tăng 15% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng

Dự kiến sẽ có khoảng hơn 3,3 triệu người được điều chỉnh với phương án tăng thêm 15% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7/2024.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến, trong đó, nguồn chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện điều chỉnh sẽ tăng thêm cho năm 2024 là hơn 3.400 tỷ đồng (thực hiện từ ngày 1/7/2024) để thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng cho trên 1 triệu người.

Nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội trong năm 2024 để chi trả theo phương án trên là khoảng hơn 12.500 tỷ đồng cho 2,3 triệu người.

Thực hiện phương án này có thể xuất hiện vấn đề chênh lệch lương hưu giữa người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nghỉ hưu trước, và sau thời điểm thực hiện điều chỉnh tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (ngày 1/7/2024).

Cùng với điều chỉnh theo mức tăng chung 15%, cơ quan có thẩm quyền còn đề xuất hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Theo đó, thực hiện điều chỉnh đối với khoảng 300.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh theo mức chung, mà có lương hưu, trợ cấp dưới 3,5 triệu đồng/tháng.

Thực hiện giải pháp nêu trên, bên cạnh chi ngân sách Nhà nước để thực hiện điều chỉnh lương hưu chung cho các nhóm đối tượng, thì ngân sách sẽ phải cân đối thêm nguồn kinh phí để thực hiện điều chỉnh đối với nhóm có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Dự kiến, kinh phí điều chỉnh cho nhóm này trong 6 tháng của năm 2024 là 285 tỷ đồng.

Như vậy, tổng kinh phí dự kiến để chi trả cho các chính sách trên trong nửa cuối năm nay là hơn 16.200 tỷ đồng.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ảnh: BHXH Việt Nam.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ảnh: BHXH Việt Nam.

Với việc điều chỉnh theo giải pháp trên, những người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh một mức điều chỉnh theo tỷ lệ % chung, mà có mức hưởng dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì còn được điều chỉnh theo số tiền tuyệt đối. Do vậy, nhìn chung sẽ làm tăng thêm mức hưởng của những người có mức hưởng thấp.

Phương án này cũng tác động đến tâm lý của những người nghỉ hưu, trợ cấp trước năm 1995. Đây là những người có quá trình công tác, cống hiến cho các cơ quan, đơn vị của Nhà nước trước đây; thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với họ. Đồng thời, tạo sự tin tưởng vào chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với quá trình công tác, cống hiến trước đây của người lao động.

Thực hiện giải pháp trên cũng góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người có mức lương hưu thấp và lương hưu cao, người hưởng lương hưu trước, và sau thời điểm ngày 1/1/1995.

Điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tăng 38,9%

Với phương án này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ước tính, tổng kinh phí năm 2024 là hơn 32.200 tỷ đồng, tăng thêm hơn 4.700 tỷ đồng trong trong 6 tháng cuối năm 2024, để thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng (với mức chuẩn trợ giúp xã hội 500.000 đồng/tháng) cho khoảng 3,356 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, và 349.000 đối tượng hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc.

Việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội hằng tháng để bảo đảm đời sống cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, phù hợp Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Chi trả lương hưu, trợ cấp cho người hưởng tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền.

Chi trả lương hưu, trợ cấp cho người hưởng tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền.

Đối với các chính sách miễn giảm một số dịch vụ, thì ngân sách Nhà nước không cấp, các cơ quan, tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện. Do đó, không làm tăng chi ngân sách Nhà nước.

Điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng, tăng 35,7%

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tính toán, với tổng số đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là trên 1,05 triệu người, thì nhu cầu kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng như sau:

Với mức chuẩn hiện hành quy định tại Nghị định số 55/2023/NĐ-CP là 2,055 triệu đồng, thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2024 là 30.290 tỷ đồng.

Theo phương án nếu nâng mức chuẩn lên 2,789 triệu đồng, thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2024 là hơn 35.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng.

Thực hiện tăng mức chuẩn trợ cấp sẽ có tác động tích cực, nâng cao đời sống của người có công và thân nhân theo đúng tinh thần chăm lo, "đền ơn đáp nghĩa" của Nhà nước.

Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội trong việc chăm lo, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân.

Đồng thời, đảm bảo thực hiện các mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 42-NQ-TW về nâng cao đời sống của người có công với cách mạng, và nguyên tắc khi xem xét, điều chỉnh các chính sách xã hội, thì mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công theo hướng phải là mức cao nhất.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chi-ngan-sach-thay-doi-the-nao-khi-tang-luong-huu-cac-loai-tro-cap-tu-1-7.htm