Chị Ngân vượt khó làm giàu

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đồi núi thôn Hoành Sơn, xã Lãng Công, huyện Sông Lô, khi vừa tròn đôi mươi, chị Nguyễn Kim Ngân kết hôn với anh Lê Văn Tâm và ra ở riêng. Thời bấy giờ (năm 1993 - 1994), Lãng Công vẫn còn là một xã nghèo, tuy có sức trẻ, nhưng lại không có việc làm ổn định, vì thế cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn.

Với 1.500 gốc bưởi, gia đình chị Nguyễn Kim Ngân thu hoạch 50.000-60.000 quả/năm, trừ chi phí thu lãi hơn 500 triệu đồng

Với 1.500 gốc bưởi, gia đình chị Nguyễn Kim Ngân thu hoạch 50.000-60.000 quả/năm, trừ chi phí thu lãi hơn 500 triệu đồng

Để mưu sinh, vợ chồng chị Ngân đã làm đủ nghề nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Có lẽ kinh tế gia đình chỉ ổn định vào những năm 2009 - 2010 khi anh Tâm đi lái xe thuê, còn chị Ngân ở nhà mở cửa hàng bán tạp hóa.

Tuy kinh tế gia đình dần ổn định, nhưng anh Tâm lại thường xuyên phải xa nhà, ít có thời gian bên gia đình, vì thế, anh chị vẫn nung nấu ý chí làm giàu ngay tại quê hương.

Tình cờ một lần, chị Ngân xem trên ti vi thấy mô hình trồng bưởi trên đất đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy ở địa phương có tiềm năng về diện tích đồi rừng, nhưng người dân chỉ trồng bạch đàn mà hiệu quả kinh tế lại thấp, ý tưởng trồng bưởi tại địa phương đã nhen nhóm trong đầu anh chị.

Nghĩ là làm, năm 2012, anh chị dành hết số vốn tích cóp và vay mượn thêm bạn bè, người thân mua lại gần 3,2 ha đất đồi rừng của người dân thực hiện ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Mặc dù có đất, nhưng việc trồng bưởi không được anh chị thực hiện ngay, chị Ngân chia sẻ: "Khi mua được đất để thực hiện ước mơ, vợ chồng tôi mừng lắm, nhưng do chưa có kinh nghiệm trồng bưởi, nên chúng tôi quyết định lùi thời gian trồng để đi tham quan học tập tại các mô hình trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao ở trong và ngoài tỉnh.

Mặt khác, cũng để tận dụng diện tích cây bạch đàn đang trồng có thể đến vụ thu hoạch. Đến năm 2015 khi đã tích lũy được kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây bưởi, gia đình tôi thu hoạch toàn bộ diện tích trồng bạch đàn và mua cây bưởi giống về trồng, chúng tôi trồng các giống bưởi như da xanh, diễn, đường…".

Nhờ sự cần cù, chịu khó, sau 3 năm trồng, chăm sóc, vườn bưởi đã cho thu những trái ngọt đầu tiên. Thấy mô hình đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, ổn định, chị Ngân mua thêm cây giống về trồng, nâng tổng số lên 1.500 gốc bưởi.

Bình quân một năm, vườn bưởi của anh chị cho thu 50.000-60.000 quả, thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng bưởi, chị Ngân cho biết: "Chăm sóc cây bưởi cần đảm bảo đúng kỹ thuật. Sau khi trồng chỉ cần tưới nước đủ ẩm cho đến lúc cây bén rễ, giai đoạn cây bắt đầu nhú mầm, có lá non thì bổ sung phân đạm, urê.

Điểm quan trọng nhất để bưởi có năng suất cao, quả ngọt và không bị khô múi cần bón nhiều phân tổng hợp NPK, phân kali vào thời điểm cây chuẩn bị ra hoa.

Bên cạnh đó, cần chú ý phòng trừ bệnh nấm, sâu đục thân… nên người trồng phải thường xuyên theo dõi, phun thuốc trừ sâu. Lúc cây có quả phải phòng bệnh ruồi vàng, không để ruồi châm làm bưởi bị đốm đen, quả sẽ bị hỏng hoặc mẫu mã không đẹp, ăn nhạt và bán không được giá.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, thời gian tới, tôi sẽ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong trồng và chăm sóc cây bưởi; liên kết với doanh nghiệp đưa quả bưởi vào tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch…”.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lãng Công Trần Thị Mỹ Linh cho biết: "Chị Ngân là một trong những hội viên tiêu biểu làm kinh tế giỏi với mô hình trồng bưởi trên đất đồi cho thu nhập cao. Đây là hộ tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, vườn bưởi của gia đình chị Ngân còn giải quyết việc làm cho 4 - 5 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ. Với kinh nghiệm có được trong quá trình trồng cây ăn quả, chị Ngân luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, cung cấp cây giống cho bà con trong xã.

Bài, ảnh: Dương Minh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/74501/chi-ngan-vuot-kho-lam-giau.html