Chị Nông Thị Gấm giữ nghề truyền thống
Từ mong muốn giữ nghề đan guột (vỏ cây guột) truyền thống với các sản phẩm thô sơ như rổ, rá, làn... của đồng bào dân tộc Tày, chị Nông Thị Gấm, người dân tộc Tày, ở xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có thêm bước tiến mới là sử dụng cả phần thân sau khi tách vỏ của cây guột để đan. Đồng thời, chị cũng là người sáng tạo ra các mẫu mã làm sản phẩm trưng bày, trang trí đẹp mắt.
Tại chợ đêm được tổ chức ở huyện Chợ Đồn, một gian hàng nhỏ bày bán các sản phẩm trang trí từ cây guột đã để lại nhiều ấn tượng cho người mua. Những đồ dùng đặc sắc đó được làm từ đôi tay khéo léo của chị Gấm. Được biết, công việc chính của chị Gấm vẫn là làm nông nghiệp nên chỉ khi có người đặt chị mới làm. Các đơn hàng được đặt nhiều nhất là bộ sản phẩm để bàn uống nước, gồm: Giỏ hoa, khay đựng hoa quả, giành ủ nước ấm. Các sản phẩm có kích thước, mẫu mã tùy theo yêu cầu của khách hàng, vì thế giá cũng dao động 70.000-200.000 đồng/sản phẩm.
Từ nhỏ, chị Gấm đã biết giúp mẹ, giúp bà đan rổ, rá, phên, sàng, nong, nia, giỏ, làn... bằng cây tre, cây trúc, vỏ cây guột. Trong một dịp đi tham quan ở tỉnh bạn, tại gian hàng đồ lưu niệm, chị thấy có sản phẩm thủ công đan từ thân cây guột (sau khi tách vỏ) trông đẹp nên đã mua về xem thử. Thấy cũng không quá khó làm nên chị về làm thử và bắt tay vào sáng tạo các sản phẩm. Theo chị Gấm, để có được những sản phẩm đẹp mắt từ cây guột, người làm phải mất nhiều công đoạn. Ban đầu, cây guột cần được tách vỏ, bước này cần tỉ mỉ, khéo léo vì thân cây lúc này rất dễ gãy, vỏ cây lại sắc, nếu làm quen, người tách có thể giữ vỏ dài để tận dụng đan giỏ hoa, giỏ quà. Sau khi tách vỏ, thân cây guột phải được phơi một nắng, căn thời gian hợp lý để không quá khô, ngoài ra còn phải phơi sương để thân mềm, dễ đan hơn. Đến khi bắt tay vào làm sản phẩm, người đan phải tìm tòi, sáng tạo, lên ý tưởng các mẫu thực hiện trước và bắt tay vào đan rất kỳ công. Khi đan, phải hết sức khéo léo, nhẹ nhàng uốn nắn vì sợi guột dễ gãy. Sau khi đan xong, sản phẩm sẽ được phủ bóng để tăng thêm độ đẹp và bắt mắt. Nói về lý do lựa chọn thân cây guột để đan thành sản phẩm, chị Gấm cho biết: “Những đồ dùng bằng tre, trúc thì quá quen thuộc, còn đan từ thân cây guột ít người làm và nghề đan guột cũng đang dần bị mai một. Công việc này giá trị kinh tế mang lại không nhiều nhưng tôi rất vui vì được làm việc mình yêu thích và vui hơn là được tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc Tày quê hương mình”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/chi-nong-thi-gam-giu-nghe-truyen-thong-725039