'Chi phí chính trị' của thỏa thuận trần nợ Mỹ
Thỏa thuận trần nợ sẽ không hạn chế Quốc hội Mỹ phê duyệt khoản tiền bổ sung cho các trường hợp khẩn cấp, bao gồm cả việc viện trợ cho Ukraine.
Quốc hội Mỹ đã thông qua một thỏa thuận tài chính giữa Nhà Trắng và các đảng viên Cộng hòa trong quốc hội, chấm dứt cuộc đối đầu chính trị kéo dài nhiều tuần và ngăn chặn thành công nguy cơ gây ra vụ vỡ nợ chưa từng có trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hôm 1/6, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỉ lệ 63-36 để phê chuẩn dự luật đã được Hạ viện thông qua hôm 31/5 trong bối cảnh các nhà lập pháp chạy đua với thời gian để tránh cuộc vỡ nợ vào ngày 5/6.
Mặc dù nhiều thành viên Quốc hội Mỹ vẫn hoài nghi về các điều khoản của thỏa thuận, nhưng họ tin chắc rằng mối lo ngại của họ không đáng để mạo hiểm nếu vỡ nợ xảy ra. Dự luật hiện đã được trình lên Tổng thống Joe Biden chờ ký.
Ông Biden đã ca ngợi hành động kịp thời của Quốc hội Mỹ. “Thỏa thuận lưỡng đảng này là một chiến thắng lớn cho nền kinh tế của chúng ta và người dân Mỹ”, vị tổng thống đảng Dân chủ cho biết trong một tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng ông sẽ ký thành luật càng sớm càng tốt.
Với dự luật này, giới hạn theo luật định đối với khoản vay của liên bang sẽ bị đình chỉ cho đến ngày 1/1/2025 và đặt ra giới hạn chi tiêu cho chính phủ trong 2 năm tới. Văn phòng Ngân sách Quốc hội phi đảng phái ước tính dự luật sẽ tiết kiệm được 1,5 nghìn tỷ USD trong 10 năm.
“Thỏa thuận trần nợ này sẽ không hạn chế khả năng của Thượng viện trong việc phân bổ quỹ bổ sung khẩn cấp để đảm bảo khả năng quân sự của chúng ta đủ để ngăn chặn Trung Quốc, Nga và các đối thủ khác, đồng thời đối phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia đang diễn ra và ngày càng gia tăng, bao gồm cả cuộc xung đột Nga - Ukraine”, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết.
Việc Thượng viện thông qua dự luật về trần nợ đã chấm dứt khoảng thời gian bế tắc nhất liên quan đến khoản nợ công của Mỹ kể từ năm 2011, khi quốc gia đứng bên bờ vực vỡ nợ.
Tuy nhiên, nó đi kèm với một số “chi phí chính trị” cho cả Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy, những người được cho là đã nhượng bộ quá nhiều trong các cuộc đàm phán.
Nhóm nghị sĩ cực kỳ bảo thủ đã liên tục chỉ trích ông McCarthy sau khi có nhiều đảng viên Dân chủ bỏ phiếu cho dự luật tại Hạ viện hơn đảng viên Cộng hòa. Các thành viên của nhóm Freedom Caucus sẽ họp vào tuần tới để thảo luận về các hành động tiếp theo, trong đó bao gồm cả nỗ lực lật đổ ông McCarthy.
Đối với ông Biden, cuộc bỏ phiếu có nguy cơ làm mất lòng thành viên cấp tiến, gây khó khăn cho ông tại một số khu vực bầu cử quan trọng.
Tuy nhiên, ông không phải đối mặt với thách thức chính nghiêm trọng từ phe cánh tả. Không những thế, thỏa thuận này còn giúp ông ngăn chặn một biến động kinh tế có thể khiến nỗ lực tái tranh cử của ông thất bại.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Financial Times, Reuters)
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chi-phi-chinh-tri-cua-thoa-thuan-tran-no-my-a610802.html