Chi phí cho hoạt động cưỡng chế do pháp nhân thương mại bị cưỡng chế chi trả

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi bổ sung biện pháp thông báo và yêu cầu dừng giao dịch với pháp nhân thương mại thi hành án đến tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thực hiện cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Theo VCCI, Dự thảo đã đưa ra được 3 biện pháp cưỡng chế quan trọng đối với pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự mà không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án, gồm: phong tỏa tài khoản; kê biên tài sản; tạm giữ hoặc thu hồi tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại.

Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch của các biện pháp cưỡng chế, ngoài các biện pháp nên trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi bổ sung biện pháp thông báo và yêu cầu dừng giao dịch với pháp nhân thương mại thi hành án đến tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo VCCI, trong nhiều trường hợp, pháp nhân thương mại tiếp tục thực hiện những hoạt động đã bị cấm trong bản án của Tòa án, trong đó có những hoạt động cần có giao dịch với các tổ chức, cá nhân khác.

Ví dụ, bản án yêu cầu pháp nhân thương mại dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng pháp nhân thương mại vẫn tiếp tục mua nguyên liệu, thuê vận chuyển, thuê quảng cáo, tiếp tục cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị bán lẻ hoặc khách hàng…

Khi đó, cơ quan thi hành án hình sự cần có biện pháp thông báo đến cho các tổ chức, cá nhân đang giao dịch với pháp nhân thương mại và yêu cầu các tổ chức, cá nhân này dừng các giao dịch trên. Ví dụ, các bên cung cấp dịch vụ quảng cáo cho pháp nhân thương mại đang bị cấm kinh doanh sẽ phải dừng hoạt động quảng cáo cho pháp nhân này.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương 38 điều, quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đối với pháp nhân thương mại chấp hành án và bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế.

Theo đó, việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có Quyết định cưỡng chế bằng văn bản của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại, nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành Quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương. Pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp cưỡng chế trong cùng một thời điểm.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chi-phi-cho-hoat-dong-cuong-che-do-phap-nhan-thuong-mai-bi-cuong-che-chi-tra-177342.html