'Chi phí ghép giác mạc không cao nhưng ít người đăng ký'
Một người chết hiến giác mạc có thể đem lại ánh sáng cho ít nhất 2 bệnh nhân. Song lo ngại chi phí khiến bệnh nhân không dám nghĩ tới việc ghép giác mạc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn.
Việt Nam được xếp trong nhóm này. Hiện cả nước có khoảng 2 triệu người bị mù, thị lực kém. Ước tính, số người cần ghép giác mạc trong xã hội rất lớn. Tuy nhiên, danh sách chờ ghép giác mạc thực tế tại ngân hàng mắt và các bệnh viện không nhiều.
Zing có cuộc trò chuyện với TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), về vấn đề này.
Lan tỏa những tấm lòng
- Nhắc đến hiến giác mạc, hẳn ai cũng nhớ câu chuyện cô bé Hải An 7 tuổi sau khi mất đã mang lại ánh sáng cho 2 người. Sau "ngọn lửa Hải An", tình hình hiến giác mạc nói riêng và đăng ký hiến mô tạng nói chung có thay đổi gì?
- Một cô bé 7 tuổi trước khi chết đã hiến giác mạc và hồi sinh đôi mắt cho 2 người. Sau đó, chúng ta đã có thêm rất nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần hiến tạng cứu người trong cộng đồng. Đây có lẽ là điều kỳ diệu mà cô bé 7 tuổi và nhiều người khác đã làm để lan tỏa những tấm lòng.
Sau câu chuyện của bé Hải An, số người đăng ký tăng lên rất nhiều. Nhiều thời điểm, những người đến đăng ký hiến mô tạng phải xếp hàng dài ngoài hành lang vì quá đông.
Trung bình mỗi ngày, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tiếp nhận khoảng 30 trường hợp nhờ tư vấn và đăng ký hiến mô tạng. Họ liên lạc với chúng tôi bằng nhiều con đường như điện thoại, email, mạng xã hội, bưu điện..., nhưng phần nhiều mong muốn đến trực tiếp để bày tỏ nguyện vọng.
Số lượng người đăng ký hiến tạng tăng so với trước đây. Từ tháng 10/2014 đến nay, chúng tôi ghi nhận hơn 17.200 hồ sơ đăng ký hiến mô tạng khi qua đời.
- Với giác mạc, ai có thể hiến?
- Giác mạc chỉ có thể hiến từ người chết và không quá 8 giờ sau khi họ ngừng thở. Những người mắc HIV, viêm gan B, C, ung thư mắt, bị chó dại cắn..., không được hiến giác mạc.
Trong thực hành lâm sàng, hiện một số chi tiết cần bổ sung rõ ràng hơn. Chúng tôi đang xin Bộ Y tế cập nhật, bổ sung những chỉ định mới trong hiến và ghép mô tạng. Chẳng hạn, mô tạng bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi đang trong giai đoạn ổn định vẫn có thể ghép được cho người có viêm gan hay các ung thư khác ngoài những bệnh lý về huyết học.
- Câu chuyện khiến bà nhớ nhất về người đến đăng ký hiến giác mạc?
- Đó là trường hợp người phụ nữ bị mù đến đăng ký hiến tạng và sẵn sàng tặng giác mạc ngay lập tức cho người cần ghép. Lời đề nghị khá dễ thương. Tôi cảm ơn và phải từ chối lời đề nghị hiến giác mạc của bà. Đồng thời, chúng tôi mời bác sĩ khoa Mắt của bệnh viện đến thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh lý ở mắt của bà. Tuy nhiên, đáy mắt của bà bị tổn thương nặng, không cứu được.
Người này còn muốn đăng ký hiến tạng thay bạn. Chúng tôi không đồng ý. Sau đó, bà ấy về đưa bạn đến văn phòng. Chuyện 2 người phụ nữ mù ấy khiến chúng tôi nhớ mãi.
10 triệu đồng một ca ghép giác mạc
- Việc hiến và ghép giác mạc hiện nay gặp khó khăn gì?
- Khi bệnh nhân tử vong tại nhà, kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt sẽ đến để thu giác mạc càng sớm càng tốt. Với trường hợp ở các tỉnh xa, chúng tôi không đến kịp song nguồn nhân lực tại chỗ lại không thể đáp ứng.
Ngược lại, khi có nguồn hiến giác mạc, chúng tôi lại không có sẵn người chờ ghép trong danh sách. Cuối cùng, chúng tôi đành nói lời cảm ơn và xin lỗi vì không thể tiếp nhận được.
Điều đáng buồn là hiện danh sách chờ ghép giác mạc không nhiều, tại đơn vị chúng tôi, con số này chỉ khoảng 20 người. Tại Ngân hàng Mắt của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, con số đăng ký chờ ghép giác mạc cũng tương tự.
Qua các chương trình khám mắt từ thiện, họ phát hiện người có chỉ định ghép giác mạc. Nếu không có hoạt động này, danh sách bệnh nhân chờ ghép giác mạc có thể ít hơn. Song chắc chắn một điều là trong xã hội, những người cần ghép giác mạc rất nhiều.
Hiện nay, những trường hợp được ưu tiên ghép giác mạc là người mù cả 2 mắt, trẻ tuổi hoặc trong tuổi lao động. Hiến và ghép giác mạc không có tiêu chí khắt khe như các tạng khác. Việc hiến giác mạc dễ dàng hơn khi kỹ thuật viên có thể lấy mô này ở bất kỳ đâu, chỉ cần đảm bảo trong thời gian dưới 8 giờ.
- Nguyên nhân của điều này là gì?
- Những người mù hoặc có bệnh lý tổn thương mắt không thể xem thông tin hay đọc báo. Họ chỉ có thể nghe trên phát thanh nên các thông tin về ghép giác mạc chưa phổ biến đến nhóm người này.
Bên cạnh đó, nhiều người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Mặc cảm tài chính khiến họ luôn nghĩ rằng bản thân không thể điều trị cao cấp, nhất là ghép giác mạc. Họ nghĩ rằng ghép giác mạc sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền. Tuy nhiên, thực tế, chi phí một ca ghép mạc hiện nay chỉ khoảng 10 triệu đồng. Con số này không cao so với ghép mô tạng nói chung nhưng hiện ít người đăng ký.
Với người mù có chỉ định ghép nhưng không đủ khả năng tài chính, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số tiền này hoàn toàn có thể được hỗ trợ.
Chúng ta thực hiện di nguyện của người đã khuất là giúp những bệnh nhân khác cơ hội nhìn thấy cuộc đời. Tuy nhiên, mang lại ánh sáng đã khó, giúp họ giữ được mảnh ghép lâu dài còn khó khăn hơn.
Nếu bệnh nhân phải di chuyển đoạn đường tái khám quá xa, họ không thể đảm bảo sức khỏe và điều kiện kinh tế. Điều này đòi hỏi sự phối hợp với địa phương để có kế hoạch theo dõi những người bệnh này.
- Nhiều người ngần ngại về việc giữ lại đôi mắt khi mất đi. Bà nghĩ sao?
- Tôi nghĩ điều này là quan điểm của mỗi người và cần được tôn trọng. Nhiều người nghĩ rằng hiến giác mạc là cho đi toàn bộ 2 mắt của mình. Vì thế, người ta e ngại.
Khi hiến giác mạc, kỹ thuật viên chỉ lấy phần màng mỏng trong suốt, không phải lấy cả con mắt. Đồng thời, kỹ thuật viên đặt vào đó một lớp màng trong suốt khác để thay thế. Do đó, vấn đề thẩm mỹ cho người hiến vẫn đảm bảo.
- Nhiều năm gắn bó với nghề, cảm xúc của bà khi làm công việc này?
- Tôi vui vì những sự sống được cứu, nhiều người hồi phục sức khỏe. Tôi ngưỡng mộ và biết ơn những tấm lòng cao cả để lại “món quà” quý giá cho cuộc đời trước khi ra đi. Song càng vui mừng tôi càng thận trọng hơn đối với công việc này.
Trước tiên, chúng tôi phải xác định được người có di nguyện hiến mô tạng không thể cứu chữa bằng mọi biện pháp y học. Sau đó, tôi mới bày tỏ nguyện vọng với gia đình. Để nói chuyện với họ trong giây phút người thân đang cận kề cái chết là điều không dễ dàng. Cách mở lời tốt nhất là đặt mình sống trong hoàn cảnh của họ.
Về người đăng ký ghép, chúng tôi phải xác định được bệnh nhân phù hợp, tiên lượng hồi phục để không lãng phí món quà quý giá.
Nhiều người sau khi ghép muốn gặp gia đình người hiến để cảm ơn. Tuy nhiên, về nguyên tắc, họ không được biết nhau để giảm thiểu những phát sinh ngoài ý muốn. Đơn vị chúng tôi sẽ thay hai bên chuyển lời cho nhau.
Mỗi dịp cuối năm, đơn vị tổ chức những chuyến xe đi khắp mọi miền để tặng quà tết, giải oan cho những gia đình có người thân hiến tạng.