Chi phí logistics cao cản trở hoạt động giao thương của doanh nghiệp
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác quốc tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn như khoảng cách địa lý, chi phí logistics luôn ở mức cao.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2025. Ảnh: Anh Nguyễn.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2025 do Bộ Công Thương và UBND TP.HCM chủ trì, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức ngày 27/3, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận định từ lâu, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác quốc tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong hợp tác kinh doanh như khoảng cách địa lý, chi phí logistics luôn ở mức cao, khác biệt về ngôn ngữ và thiếu thông tin thị trường.
Đặc biệt, bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, vấn đề an ninh năng lượng, lương thực là những thách thức không nhỏ.
Điều này đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực cao của Việt Nam cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước, các đối tác thương mại, cộng đồng doanh nghiệp nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn, đồng thời nâng cao hiệu quả trong hoạt động hợp tác và phát triển toàn cầu.
Chuyển biến tích cực
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, TP.HCM và cả nước đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD từ năm 2012. Đến năm 2024, hoạt động xuất khẩu ghi nhận thêm nhiều thành tựu quan trọng. Tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước tiến sát mốc 800 tỷ USD và xuất khẩu lần đầu tiên đạt mốc 400 tỷ USD sau 3 năm.
Đây là thành tựu quan trọng trong nỗ lực phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam.
Đáng chú ý, kết quả này đã đưa Việt Nam vươn lên vị trí 17 trong số 20 nền kinh tế có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.
Từ nhiều năm nay, thị trường châu Á, châu Âu, Đông Nam Á, Mỹ và Trung Quốc được biết đến là khu vực thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam. Bên cạnh đó, quan hệ thương mại, hợp tác đầu tư và phát triển giữa Việt Nam và khu vực trên không ngừng được củng cố, phát triển và mở rộng.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm nông lâm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, điện tử và công nghiệp. Chính sự đa dạng này đã giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tận dụng được những lợi thế cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cao. Qua đó, Việt Nam không những là một quốc gia xuất khẩu có uy tín mà còn là đối tác thương mại tin cậy trên thị trường,
Đặc biệt, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, trong đó xuất khẩu là một trong những ngành rất quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế TP.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua các cửa khẩu cả nước đạt 107,9 tỷ USD, tăng 7,7 % so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 47 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023 và kim ngạch nhập khẩu chạm mốc 60,9 tỷ USD, tăng 10%.
Mặt khác, cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn 75% trong kim ngạch xuất khẩu.
Hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp TP.HCM đã có mặt tại 214 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
"Năm 2025 sẽ là một năm để bứt phá, nỗ lực phấn đấu, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, hướng tới hoàn thiện mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của TP", ông Phú cho hay.
Xuất khẩu theo hướng "Xanh - Sạch - Số"
Cũng tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết qua 2 lần tổ chức, Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu đã trở thành điểm gặp gỡ đầy sôi động của các doanh nghiệp Việt Nam, các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, mở ra nhiều cơ hội kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp sau mỗi kỳ Hội chợ.
TP.HCM định hướng Hội chợ năm nay tập trung chiến lược xuất khẩu theo hướng “Xanh - Sạch - Số” để thích ứng với yêu cầu của thị trường toàn cầu. Trong đó, tập trung các tiêu chí khuyến khích xuất khẩu xanh, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tham quan gian hàng yến sào tại hội chợ. Ảnh: Anh Nguyễn.
Bên cạnh đó, Hội chợ giúp cũng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, ứng dụng AI, thương mại điện tử để tối ưu hóa kênh phân phối và tiếp cận thị trường nhanh hơn.
Định hướng xuất khẩu vào các thị trường lớn và chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm như yến sào, sâm, dược liệu và thực phẩm chế biến cao cấp cũng trở thành tiêu chí chương trình năm nay.
Hội chợ năm nay cũng có điểm đặc biệt tập trung khai thác, quảng bá, sản phẩm thương hiệu đặc sản của TP.HCM là sản phẩm yến.
"Chúng tôi đã dành một Không gian Yến Việt Nam tại hội chợ để mở đầu cho chuỗi sự kiện Festival Yến 2025 mà TP.HCM sẽ tổ chức vào tháng 11 năm nay", ông Dũng nói thêm.
Ngoài yến, hội chợ cũng tập trung khai thác, quảng bá, kết nối giao thương với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sâm, dược liệu và các thực phẩm chế biến cao cấp.
Hội chợ năm nay có sự mở rộng về quy mô lớn nhất so với các năm trước. Theo ông Dũng, hội chợ đã chào đón gần 200 nhà mua hàng quốc tế đến kết nối giao thương với gần 750 doanh nghiệp Việt Nam thuộc các nhóm ngành hàng chủ lực về nông sản, lương thực, thực phẩm, thủy sản,...
Trong đó, thị trường Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam và thị trường Hàn Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 cũng dành sự quan tâm đến tìm hiểu, kết nối giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam.