Chi phí logistics tăng, nhiều nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi
Tình trạng mất cân đối cung cầu trong ngành cảng biển và logistics đã khiến hoạt động của ngành này có sự biến động dữ dội, nhiều doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng khiến chi phí logistics tăng cao.
Giá cước vận tải đường biển liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Trong hơn một năm qua, các kỷ lục trong ngành vận tải container liên tục bị phá vỡ. Từ giá cước vận tải, giá thuê tàu container, các loại phí… luôn tăng với một số lý do xuất phát từ đại dịch Covid-19.
Giá cước vận tải đường biển tuyến Á - Âu, Á - Mỹ theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam cũng tăng 5 - 10 lần trong năm qua và kéo dài đến nay.
Hiện nay, khi làn sóng dịch bệnh dần được kiểm soát, tình trạng mất cân đối cung cầu lập tức xảy ra khiến hoạt động trong ngành cảng biển và logistics có sự biến động dữ dội, tạo nên cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành.
Theo báo cáo mới đây của Công ty CK Agribank (Agriseco), việc giá cước vận tải bị đẩy lên cao đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trong lĩnh vực khai thác tàu và kho bãi.
Cụ thể, tốc độ lưu thông hàng hóa chậm lại sẽ làm gia tăng nhu cầu lưu kho hàng hóa. Điều này đã phần nào phản ánh qua kết quả kinh doanh quý 1/2021 khi các doanh nghiệp kho bãi .
Chẳng hạn, quý 1/2021 Công ty CP Transimex (TMS) đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế tăng trưởng gần 80% so với cùng kỳ 2020. Đại lý Vận tải SAFI (HOSE: SFI) với lãi ròng đạt gần 20 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ). Gemadept (HOSE: GMD) cũng báo lãi ròng tăng 29%, đạt hơn 147 tỷ đồng trong quý 1,…
Ngoài ra, việc sở hữu đội tàu quy mô lớn sẽ là lợi thế khi nhu cầu tăng kéo theo việc giá cước thuê tàu leo thang, giúp giá trị thị trường của đội tàu tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp có thể ghi nhận những khoản lợi nhuận đột biến từ việc thanh lý những con tàu có tuổi đời cao.
Đơn cử như Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), quý 1/2021, HAH ghi nhận doanh thu 359 tỷ đồng, tăng 28%; lợi nhuận trước thuế 102 tỷ đồng, tăng mạnh 183%. Hải An cung cấp dịch vụ cảng biển, kho bãi, và vận tải đường biển nội địa – quốc tế (chủ yếu đi Trung Quốc).
Trong năm 2021, HAH đã tập trung trẻ hóa đội tàu, thanh lý tàu cũ đem về lợi nhuận khoảng 25 tỷ, tương đương 20% lợi nhuận cả năm; đội tàu của HAH hiện có tổng sức chứa lên tới 11.000 TEUs.
Công ty CP Container Việt Nam (Viconship – VSC) chuyên khai thác các cảng GreenPort, bãi container và vận tải container đường bộ. Doanh thu quý 1 đạt 435 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận trước thuế 89 tỷ đồng, tăng 9%.
Từ đầu năm đến nay, làn sóng đầu tư vào các doanh nghiệp logistics đang diễn ra sôi động tại thị trường Đông Nam Á. Hiện đã có hơn 3 tỷ USD được rót vào các hệ thống kho vận và trung tâm phân phối logistics hiện đại tại Việt Nam. Điều này đến từ việc các sàn thương mại điện tử phát triển quá nóng đã kéo theo nhu cầu với các dịch vụ hậu cần kho bãi.
Agriseco cho rằng loại hình kho lạnh sẽ tiếp tục là mối quan tâm chính của các thương vụ đầu tư trong tương lai do nhu cầu giao nhận các mặt hàng thực phẩm cao đòi hỏi các kho lạnh có vị trí gần.
Nguồn: Agriseco tổng hợp.
Ngoài ra, triển vọng từ các hiệp định FTA như EVFTA hay CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hay là việc xuất khẩu một số mặt hàng nông thủy sản, điện, điện tử sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada sau khi thuế suất được giảm về xấp xỉ 0%.
Đồng thời, Agriseco cũng đánh giá, việc có quan hệ FTA với các nước thành viên CPTPP sẽ giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất khẩu. Dự báo đến 2030, xuất khẩu sang các nước thành viên có thể tăng lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu. Do đó, năm 2021, ngành logistics và cảng biển tại Việt Nam sẽ rất khả quan.