Chi phí tái thiết Gaza có thể lên tới 50 tỷ USD

Hơn 69% công trình tại Gaza bị phá hủy, ước tính tái thiết lên tới 50 tỷ USD, khiến hy vọng hồi sinh vùng đất này trở nên mong manh và xa vời.

Người dân Palestine tại Dải Gaza đang khát khao rời khỏi các trại tị nạn tạm bợ để trở về nhà, với hy vọng thỏa thuận ngừng bắn kéo dài có thể chấm dứt cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Tuy nhiên, nhiều người có thể phải đối mặt với thực tế rằng, không còn gì để quay lại và cũng không có cách nào để tái thiết.

 Người dân Palestine cứu vớt những gì họ có thể từ đống đổ nát ở Khan Younis, phía nam Dải Gaza. Ảnh: Fatima Shbair

Người dân Palestine cứu vớt những gì họ có thể từ đống đổ nát ở Khan Younis, phía nam Dải Gaza. Ảnh: Fatima Shbair

Các cuộc không kích và chiến dịch trên bộ của Israel đã biến nhiều khu vực tại các thành phố lớn thành những bãi đất hoang ngổn ngang đống đổ nát. Các tòa nhà bị thiêu rụi chỉ còn trơ khung, trong khi các con đường chính bị phá hủy hoàn toàn.

Hạ tầng thiết yếu như nước sạch và điện bị tàn phá nghiêm trọng. Đa số các bệnh viện không thể hoạt động. Điều đáng lo ngại hơn, không rõ khi nào hoặc liệu những gì đã mất có thể được tái thiết.

Thỏa thuận ngừng bắn từng bước và việc trao trả con tin do lực lượng Hamas cầm giữ không đề cập rõ ai sẽ tiếp quản quyền quản lý Dải Gaza sau chiến tranh, hay liệu Israel và Ai Cập có dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã áp dụng từ năm 2007, khi Hamas nắm quyền kiểm soát, hay không.

Liên Hợp Quốc nhận định rằng, nếu lệnh phong tỏa không được dỡ bỏ, việc tái thiết có thể mất hơn 350 năm.

Hai phần ba các công trình bị phá hủy

Mức độ thiệt hại đầy đủ sẽ chỉ được xác định khi các cuộc giao tranh chấm dứt và các đoàn kiểm tra có thể tiếp cận toàn bộ khu vực. Phần phía Bắc của Dải Gaza – nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất đã bị quân đội Israel phong tỏa và gần như không còn dân cư từ đầu tháng 10.

Sử dụng dữ liệu vệ tinh, Liên Hợp Quốc ước tính vào tháng trước rằng 69% các công trình tại Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy, bao gồm hơn 245.000 ngôi nhà. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại lên tới 18,5 tỷ USD - gần bằng tổng sản lượng kinh tế của Dải Gaza và Bờ Tây trong năm 2022 chỉ trong bốn tháng đầu tiên của cuộc chiến.

Israel quy trách nhiệm thiệt hại cho Hamas, tổ chức đã khơi mào cuộc chiến bằng cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10/2023, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, và bắt cóc thêm 250 người.

Đáp lại, Israel mở chiến dịch phản công khiến hơn 46.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó hơn một nửa là phụ nữ và trẻ em, theo số liệu từ Bộ Y tế Gaza. Tuy nhiên, không có thông tin chi tiết về số lượng chiến binh trong số này.

Phía Israel khẳng định đã tiêu diệt hơn 17.000 chiến binh Hamas, nhưng chưa cung cấp bằng chứng cụ thể. Quân đội Israel đã công bố hình ảnh và video cho thấy Hamas xây dựng các đường hầm và bệ phóng tên lửa trong các khu vực dân cư, bao gồm nhà ở, trường học và nhà thờ.

Những "ngọn núi" đổ nát cần được dọn dẹp

Trước khi tái thiết bất kỳ công trình nào, khối lượng đổ nát khổng lồ cần được dọn dẹp, một nhiệm vụ đầy thách thức.

Liên Hợp Quốc ước tính chiến tranh đã để lại hơn 50 triệu tấn đổ nát tại Dải Gaza – tương đương 12 lần kích thước Kim tự tháp Giza. Với hơn 100 xe tải hoạt động liên tục, cần ít nhất 15 năm để dọn sạch đống đổ nát này. Tuy nhiên, Gaza - vùng đất ven biển nhỏ hẹp với khoảng 2,3 triệu người gần như không có không gian trống cho việc xử lý.

Việc vận chuyển đống đổ nát ra khỏi khu vực càng trở nên khó khăn hơn bởi trong đó chứa số lượng lớn vũ khí chưa nổ và các vật liệu độc hại, cùng với hài cốt của nhiều nạn nhân. Bộ Y tế Gaza cho biết, hàng nghìn thi thể vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Không có kế hoạch cho ngày mai

Việc dọn dẹp đống đổ nát và tái thiết nhà cửa đòi hỏi hàng tỷ USD cùng khả năng vận chuyển vật liệu xây dựng và thiết bị hạng nặng vào khu vực - những yếu tố không hề được đảm bảo.

Thỏa thuận ngừng bắn đề xuất một dự án tái thiết kéo dài từ ba đến năm năm, khởi động ở giai đoạn cuối sau khi toàn bộ 100 con tin được trả tự do và lực lượng Israel rút khỏi khu vực.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có sự thống nhất trong giai đoạn hai - giai đoạn được coi là khó khăn nhất của thỏa thuận, vốn vẫn chưa được đàm phán.

Ngay cả khi đạt được thỏa thuận, khả năng tái thiết vẫn phụ thuộc vào lệnh phong tỏa. Các nhà phê bình từ lâu đã gọi đây là hình thức trừng phạt tập thể. Israel cho rằng, lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn Hamas tái xây dựng năng lực quân sự, lưu ý rằng xi măng và ống kim loại có thể bị sử dụng để xây dựng đường hầm và chế tạo tên lửa.

Israel có thể xem xét dỡ bỏ phong tỏa nếu Hamas không còn nắm quyền, nhưng hiện chưa có kế hoạch cho một chính quyền thay thế.

Mỹ cùng phần lớn cộng đồng quốc tế mong muốn chính quyền Palestine tại Bờ Tây được củng cố để quản lý cả Dải Gaza, với sự hỗ trợ từ các nước Ả Rập, nhằm hướng tới một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai.

Tuy nhiên, đây là điều không thể chấp nhận với chính phủ Israel, vốn phản đối ý tưởng về một nhà nước Palestine và loại trừ khả năng chính quyền Palestine hiện tại có vai trò tại Gaza.

Các nhà tài trợ quốc tế có lẽ sẽ không muốn đầu tư vào một vùng đất không có chính quyền, nơi đã trải qua năm cuộc chiến trong chưa đầy hai thập kỷ, điều này đồng nghĩa với việc các trại tị nạn ven biển có thể trở thành một thực tế lâu dài đối với cuộc sống tại Gaza.

Việt Hà (Theo Time)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chi-phi-tai-thiet-gaza-co-the-len-toi-50-ty-usd-post330996.html