Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành năm 2023 của UBND TP Hà Nội

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành năm 2023 của UBND TP bên cạnh những kết quả phát triển tích cực vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP năm 2023

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP năm 2023

Sáng 5/12, tại kỳ họp HĐND TP, báo cáo về công tác chỉ đạo điều hành năm 2023 của UBND TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số tồn tại, hạn chế

Cụ thể, kinh tế duy trì tăng khá trong bối cảnh khó khăn, dự kiến cả năm tăng 6,11% - không đạt kế hoạch đề ra là 7,0%. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 1,0% không đạt kế hoạch là 6,0%. Vốn đầu tư xã hội duy trì tăng 9,0%, tuy nhiên không đạt chỉ tiêu là 10,5%.

Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tăng thấp so với mức tăng cùng thời điểm năm trước và mục tiêu đề ra; chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn NSNN chưa được như kỳ vọng...

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đầu năm đạt 60,8% kế hoạch Trung ương giao và 53,7% kế hoạch thành phố giao - cao hơn cùng kỳ năm 2022 (42,4%), tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Về quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường: - Các nhiệm vụ: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20250; Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chậm tiến độ so với yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng nêu rõ còn nhiều nhiệm vụ thực hiện chậm: Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến; Vận hành đoạn trên cao Tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội; Triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy;

Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu Bây giai đoạn 2021-2025; Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 04 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải...

Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại một số điểm cuối nguồn, xa nguồn cấp còn diễn ra; Một số cơ sở trạm xử lý nước sạch cục bộ sử dụng nguồn nước ngầm không đảm bảo chất lượng nhưng chưa được kiểm tra kịp thời.

Úng, ngập vẫn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông và bức xúc cho người dân. Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (95%) - không đạt kế hoạch (100%).

Về an sinh xã hội - dịch bệnh trong cộng đồng được tăng cường giám sát, tuy nhiên, số ca sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao và có bệnh nhân tử vong; công tác tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh còn 3 chỉ tiêu chưa đạt tiến độ.

Kỷ cương hành chính có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy; tuy nhiên chưa được như mong đợi, tỷ lệ chậm tiến độ các nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 01/02/2023 của UBND TP vẫn còn cao (19/118 nhiệm vụ, tương đương 16,1%, trong đó, nhiều nhiệm vụ quá thời hạn rất lâu).

Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng; Chỉ số PCI năm 2022 giảm sâu 10 bậc, chỉ số PAPI giảm 3 bậc so với năm 2021. - Chuyển đổi số còn chậm; hầu hết các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số đạt thấp so với mục tiêu đề ra, nhất là số hóa dữ liệu lĩnh vực quản lý đất đai…

Năm 2024, UBND Hà Nội đặt ra loạt nhiệm vụ trong công tác chỉ đạo, điều hành. Trong đó, UBND TP sẽ tập trung bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn, trong đó: Thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa của Trung ương; thực hiện rà soát lại thuế khoán, trước mắt tập trung vào một số lĩnh vực và địa bàn các quận và các thị trấn; đảm bảo cân đối ngân sách; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu...

Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong mỗi nội ngành gắn với ứng dụng KHCN; trong đó, kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại; trung tâm lưu chuyển hàng hóa, logictics; mở rộng thanh toán trực tuyến; cơ sở hạ tầng, điểm đến và sản phẩm du lịch; sản phẩm công nghiệp chủ lực; sản phẩm nông nghiệp đô thị, sinh thái...

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PARIndex, SIPAS…

Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; trong đó tập trung: công nghiệp văn hóa Thủ đô; hạ tầng số và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thành phố thông minh... Xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, tập trung nâng cao tỷ lệ xử lý nước thải đô thị; đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải, các đề án bảo vệ môi trường dòng các sông…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chi-ro-nhung-ton-tai-han-che-trong-cong-tac-chi-dao-dieu-hanh-nam-2023-cua-ubnd-tp-ha-noi-post560080.antd