Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng cất lên 'Tiếng Dân' để 'làm cách mạng công khai'
Huỳnh Thúc Kháng thuộc thế hệ trí thức khoa bảng Nho học cuối cùng, là điểm nối giữa hai thế kỷ XIX và XX, giữa tư tưởng phong kiến và tư sản.
Cuộc đời ông là một hành trình tiếp nhận những cái mới, tư tưởng mới, phương pháp mới trên con đường tranh đấu vì nước, vì dân.
Từ bỏ quan trường để Duy Tân
Huỳnh Thúc Kháng lúc nhỏ tên là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Minh Viên, sinh tháng 10/1876, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay là Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình nông dân chuộng học. Ông được cậu ruột là Phó bảng Nguyễn Đình Tựu kèm cặp việc học hành từ nhỏ.
Năm 1900, ông đậu giải Nguyên, năm 1904 đậu Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, trở thành một trong “tứ hổ” Trung Kỳ nổi tiếng thời ấy.
Trong thời gian ở Huế để học và thi, ông giao lưu với các nho sĩ có tư tưởng tân học, tiếp xúc với “tân văn, tân thư”, sớm tiếp thu văn minh dân quyền theo tư tưởng tư sản. Vì vậy, sau khi thi đỗ đại khoa, ông không ra làm quan mà trở về làng ẩn cư như bạn đỗ tiến sĩ đồng khoa Trần Quý Cáp. Năm 1905, Phan Chu Trinh từ quan rồi cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp làm một cuộc Nam du xem xét tình hình, đề xướng tân học, vận động cuộc duy tân với tư tưởng dân quyền và phương châm "tự lực khai hóa”.
Từ cuộc Nam du trở về, Huỳnh Thúc Kháng tổ chức diễn thuyết, hô hào Duy Tân, vận động Nhân dân thay đổi lối sống, mặc âu phục, cắt tóc ngắn, cùng các thân sĩ chung sức lập các hội buôn, hội nông, hội trồng quế, xây trường học, thư viện. Năm 1908, phong trào chống thuế nổ ra ở Quảng Nam rồi lan rộng ra các tỉnh miền Trung, ông và nhiều thân sĩ bị khép tội cầm đầu, kết án chung thân, bắt đày ra Côn Đảo. Năm 1921, ông được trả tự do.
Ở tù nhưng ông vẫn lạc quan, gọi nhà tù là “ trường học thiên nhiên” khắc nghiệt, không ngừng đọc sách, nhất là về các học thuyết mới, rèn thêm tiếng Pháp, sáng tác thơ văn, viết sử.
Khi ra tù, nhà cầm quyền muốn lôi kéo cộng tác nhưng ông cự tuyệt. Năm 1926, người Pháp cải tổ Hội đồng tư vấn thành Viện dân biểu Trung kỳ, Huỳnh Thúc Kháng ra ứng cử, trúng cử rồi được bầu làm Viện trưởng và từ chức vào cuối năm 1928.
Cũng trong thời gian làm Viện trưởng dân biểu, ông đứng ra lập tờ báo Tiếng Dân ở Huế, làm chủ báo kiêm chủ bút, ra số đầu tiên ngày 10/8/1927.
Năm 1940, Nhật vào Việt Nam, nhiều lần tìm cách mời cộng tác, kể cả lấy danh nghĩa Cường Để viết thư dụ dỗ nhưng ông vẫn một mực cự tuyệt. Tháng 3/1943, Nhật hất cẳng Pháp, Bảo Đại mời tham gia thành lập nội các, ông từ chối và viết thư khuyên Bảo Đại thoái vị.
Tuy nhiên, Huỳnh Thúc Kháng đã rất hào hứng ủng hộ Cách mạng tháng Tám. Ông nhận lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng Nội vụ.
Ông là sáng lập viên và hội trưởng Hội liên Hiệp quốc dân Việt Nam - Liên Việt (29/5/1946). Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp (31/5 - 20/10/1946), ông là Quyền Chủ tịch nước.
Cuối năm 1946, ông được cử làm đặc phái viên của Chính phủ vào Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ, khi đến Quảng Ngãi bị ốm nặng và từ trần vào ngày 21/4/1947, thọ 71 tuổi.
Trở thành chính khách vì dân
Đã từng từ chối quan trường khi mới đỗ đạt, chấp nhận tù đày vì tranh đấu, quá hiểu bản chất của chính quyền thuộc địa - phong kiến nhưng ông vẫn quyết định tham gia và trở thành Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ, trở thành chính khách vì ông muốn sử dụng nó như một diễn đàn đấu tranh công khai đòi thực dân Pháp phải cải cách dân chủ, nới lỏng chính sách cai trị, bảo vệ quyền lợi dân tộc. Tại đây, ông đã đấu tranh nghị trường rất gay gắt, mạnh mẽ. Trong một thông tư đề tháng 11/1926, khi D'Elloy - Khâm sứ Trung kỳ viết "nhiều lời mạt sát chửi mắng", lấy tư cách Viện trưởng, Huỳnh Thúc Kháng họp với hơn bốn chục dân biểu, cùng lập Tờ phản kháng gửi Toàn quyền, vạch rõ sai trái từng đoạn trong thông tư rồi lại cho đăng trên các báo. D'Elloy bị điều về Pháp. Dư luận gọi là vụ "D'Elloy - Huỳnh Thúc Kháng".
Trong kỳ đại hội thứ hai của Viện Dân biểu Trung Kỳ vào năm 1927, Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng và các nghị viên đã đặt ra vấn đề người Việt Nam ở Trung Kỳ cần có một Hiến pháp riêng. Chính quyền thực dân Pháp lúc đầu có ý chấp nhận nhưng sau đó lờ đi, không nhắc tới nữa. Vì vậy, trong kỳ đại hội thứ ba, ngày 1/10/1928, Huỳnh Thúc Kháng đã có một bài diễn văn chỉ trích gay gắt những chính sách hà khắc của chính quyền thuộc địa và bày tỏ Viện dân biểu cần được trao thực quyền, chứ không chỉ là hình thức, "mang cái tên trống”.
Ông đưa ra ba yêu cầu cơ bản: Thi hành chính sách giáo dục bắt buộc và cho tự do lập trường học; Đánh thuế hàng hóa xa xỉ và giảm thuế sưu; Cải cách hệ thống tư pháp, xét xử để người Việt Nam có nhiều quyền bình đẳng hơn.
Ông tiếp tục đòi hỏi một Hiến pháp cho Nam triều, mở rộng quyền lực cho Viện dân biểu Trung kỳ và phê phán mạnh mẽ quan điểm cho rằng "dân An Nam chưa có trình độ lập hiến" của chính quyền thuộc địa.
Nhưng thực dân Pháp không chấp nhận các yêu cầu của ông. Xét thấy đấu tranh nghị trường không có hiệu quả nên ngày 2/10/1928, Huỳnh Thúc Kháng đưa đơn từ chức viện trưởng.
Vai trò chính khách dấn thân của Huỳnh Thúc Kháng một lần nữa tỏa sáng khi ông tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Quyền Chủ tịch nước. Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với chính quyền còn non trẻ. Đặc biệt, khi là Quyền Chủ tịch nước, ông đã điều hành bộ máy nhà nước và xử lý đúng đắn mọi vấn đề đối nội, đối ngoại trong thời điểm khó khăn và phức tạp nhất theo đúng tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao phó.
Mặt khác, với uy tín và trình độ của mình, ông là nhân tố quan trọng tập hợp các lực lượng dân tộc, nỗ lực hóa giải mâu thuẫn giữa các lực lượng, đảng phái - một yêu cầu/nhiệm vụ to lớn, khẩn cấp và khó khăn lúc bấy giờ.
Cất lên “Tiếng Dân” để “làm cách mạng công khai”
Là nhà khoa bảng, Huỳnh Thúc Kháng không đi vào chốn quan trường nhưng cũng không chú tâm trứ tác. Làm thơ, viết văn, viết sử, làm báo với ông cũng là một sự dấn thân; là phương tiện để ông hành động. Ông quan niệm văn chương là thuốc chữa bệnh tinh thần cho con người và xã hội, không chỉ gột rửa những hủ lậu mà hướng con người và xã hội đến những điều tốt đẹp. Viết sử, với ông, cũng là trách nhiệm, để tôn vinh lịch sử và cổ vũ đồng bào đấu tranh bảo vệ dân tộc.
Tuy vậy, ông vẫn để lại một khối lượng tác phẩm khá lớn thuộc nhiều thể loại. Một số tác phẩm tiêu biểu nhất là: Thi tù tùng thoại; Vụ chống thuế ở Trung kỳ; Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử; Huỳnh Thúc Kháng tự truyện; Bức thư bí mật gửi Cường Để; Một ít dật sự trên đoạn đường lịch sử cách mệnh Việt Nam và rất nhiều bài trên báo Tiếng Dân.
Với tôn chỉ: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”, báo Tiếng Dân suốt 16 năm tồn tại đã quyết liệt chống chính quyền thuộc địa và chính quyền Nam Triều; tố cáo sự tàn bạo, hà khắc, xảo trá của chế độ và nêu lên nỗi thống khổ của đồng bào; tôn vinh và cổ vũ các phong trào yêu nước, các cuộc cách mạng giành độc lập; cổ vũ, giáo dục quần chúng đấu tranh đòi hỏi dân chủ dân sinh, không bị ru ngủ bởi các thủ đoạn mị dân xảo trá.
Huỳnh Thúc Kháng tự nhận: “Tôi là một nhà cách mạng công khai” tức là công khai mục đích của ông khi tham gia chính trường, và làm báo, là làm cách mạng. Không chỉ là người chủ trương, là chủ báo, chủ bút, ông còn là cây bút chủ lực của Tiếng Dân. Ông viết tất cả các thể loại, đặc biệt tản văn, bình luận, xã luận vô cùng sắc sảo và hấp dẫn. Ông là linh hồn của Tiếng Dân.
Vai trò chính khách dấn thân của Huỳnh Thúc Kháng một lần nữa tỏa sáng khi ông tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Quyền Chủ tịch nước. Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với chính quyền còn non trẻ. Đặc biệt, khi là Quyền Chủ tịch nước, ông đã điều hành bộ máy nhà nước và xử lý đúng đắn mọi vấn đề đối nội, đối ngoại trong thời điểm khó khăn và phức tạp nhất theo đúng tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao phó.