Chỉ số CPI 4 tháng tăng 3,84%

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 của cả nước giảm 0,34% so với tháng trước, tăng 2,81% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cả hạ nhiệt, CPI bình quân cả nước giảm xuống còn 0,34%.

Giá cả hạ nhiệt, CPI bình quân cả nước giảm xuống còn 0,34%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4/2023 tăng 2,81%. So với tháng 12/2022, CPI tháng 4/2023 tăng 0,39%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do chỉ số giá nhóm giáo dục, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, giá các mặt hàng thực phẩm, giá điện sinh hoạt, giá gạo trong nước tăng.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước; 4 nhóm hàng tăng giá. Cụ thể, 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,38% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,13 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,3%; nhóm thực phẩm giảm 0,71%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,13%.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 4/2023 giảm 1,3% so với tháng trước, tác động CPI chung giảm 0,08 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 4/2023 giảm 0,83% so với tháng trước chủ yếu do giá gas trong tháng giảm 12,36% so với tháng trước; giá điện sinh hoạt giảm 0,98% so với tháng trước, giá nước sinh hoạt giảm 0,77%; giá dầu hỏa giảm 3,82%. Bên cạnh đó, có một số mặt hàng tăng giá như giá thuê nhà tăng 0,65%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,22%....

4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giao thông tăng 0,43% (làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm), nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,35%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,12% do thời tiết chuyển nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0,02% chủ yếu do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh.

Trong tháng 4/2023, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 4/2023 tăng 2,04% so với tháng trước; tăng 2,92% so với tháng 12/2022; giảm 1,09% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 0,66%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,73% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Theo TS. Cấn Văn Lực, lạm phát hạ nhiệt, được kiểm soát ở mức phù hợp là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế đầu năm. CPI bình quân 4 tháng tăng 3,84%, giảm từ mức tăng 4,18% bình quân 3 tháng và 4,6% bình quân 2 tháng đầu năm. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cũng đã hạ nhiệt so với mức tăng bình quân 3 tháng (5,01 %) và 2 tháng (5,08%).

Lạm phát đã qua đỉnh và tiếp tục hạ nhiệt cho thấy các biện pháp kiểm soát đã dần phát huy tác dụng cùng với đà giảm giá và lạm phát của thế giới. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát vẫn còn do cả yếu tố cầu kéo (lực cầu tiêu dùng khá cao, cung tiền và vòng quay tiền cải thiện hơn năm trước) và chi phí đẩy (giá dầu và giá hàng hóa, dịch vụ thế giới còn ở mức cao, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại làm tăng lực cầu).

Dự báo lạm phát cả năm, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, lạm phát cả năm 2023 ước tăng khoảng 4 - 4,5% nhờ tác động cộng hưởng của các yếu tố tích cực cho kiềm chế lạm phát như giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục giảm, lực cầu còn yếu và các biện pháp kiểm soát lạm phát phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn.

Phúc Nguyễn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chi-so-cpi-4-thang-tang-384-334706.html