Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ sẽ quyết định xu hướng thị trường

Chứng khoán Mỹ thêm một phiên tăng điểm nhẹ trong ngày thứ Năm (27/6), khi các nhà đầu tư chờ chỉ số lạm phát quan trọng sắp được công bố, và các dữ liệu cho thấy hoạt động kinh tế tiếp tục chậm lại, làm tăng hy vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất.

Dữ liệu cho thấy các đơn đặt hàng mới đối các sản phẩm chủ chốt do Mỹ sản xuất bất ngờ giảm trong tháng 5, trong khi các đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền cốt lõi giảm 0,1% so với dự báo tăng 0,2%, thúc đẩy hy vọng rằng nền kinh tế yếu hơn có thể khiến Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Các dữ liệu được đưa ra một ngày trước khi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 - thước đo lạm phát ưa thích của Fed được công bố. Các chuyên gia kinh tế dự báo PCE lõi tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 và 2 năm đã hạ nhiệt sau các dữ liệu trên, nhưng cũng chỉ ở mức vừa phải. Tuy vậy, vẫn mang lại động lực tích cực cho các cổ phiếu Megacap, chẳng hạn như Alphabet và Meta Platforms tăng 0,83% và 1,25%. Trong khi Amazon tăng 2,19% sau khi đạt vốn hóa 2 nghìn tỷ USD lần đầu tiên vào thứ Tư.

Với một số cổ phiếu có trọng số lớn đã hỗ trợ đà đi lên của Phố Wall kể từ giai đoạn cuối năm 2023 cho đến nay, nhiều nhà đầu tư đã trở nên lo ngại hơn về tính bền vững của xu hướng tăng và kêu gọi sự cần thiết phải đa dạng hóa danh mục đầu tư để phòng ngừa tổn thất lớn có thể bất ngờ xảy ra.

Kết thúc phiên 27/6: Chỉ số Dow Jones tăng 36,26 điểm (+0,09%), lên 39.164,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,97 điểm (+0,09%), lên 5.482,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 53,53 điểm (+0,30%), lên 17.858,68 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, do sự thận trọng của nhà đầu tư trước các dữ liệu kinh tế toàn cầu quan trọng sắp được công bố và vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tại Pháp.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,43% xuống 512,59 điểm và ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp.

Phiên này, nhóm cổ phiếu bán lẻ dẫn đầu đà giảm khi để mất 1,9%, ảnh hưởng bởi mức giảm lên tới gần 13% của H&M - nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới, sau khi lợi nhuận quý vừa qua sụt giảm và dự đoán doanh số bán hàng tháng 6 suy yếu.

"H&M lặp lại mục tiêu biên lợi nhuận hoạt động trên 10% cho năm. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cảnh báo rằng các điều kiện để đạt được mục tiêu trên đã trở nên khó khăn hơn", Magnus Raman, một nhà phân tích tại Kepler Cheuvreux cho biết.

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 của Mỹ vào thứ Sáu, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá triển vọng lãi suất của Fed.

Trong khi đó, tại châu Âu, các nhà đầu tư cũng chờ đợi dữ liệu tương tự từ Pháp, Tây Ban Nha và Ý.

Ngoài ra, sự tập trung cũng đã lớn hơn dành cho vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội Pháp vào cuối tuần. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy đảng cực hữu RN sẽ giành được 36% phiếu phổ thông, trong khi khối trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ ở mức 21%.

Kết thúc phiên 27/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 45,65 điểm (-0,55%), xuống 8.179,68 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 55,31 điểm (+0,30%), lên 18.210,55 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 78,43 điểm (-1,03%), xuống 7.530,72 điểm.

Giá dầu thô bật mạnh trở lại, do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn bởi áp lực địa chính trị ở Trung Đông và châu Âu. Trong khi đó, tồn kho xăng, dầu của Mỹ bất ngờ tăng 3,6 triệu thùng, ngược so với dự đoán giảm 2,9 triệu thùng của các nhà phân tích. Dự trữ xăng của Mỹ tăng 2,7 triệu thùng.

Kết thúc phiên 27/6, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,84 USD (+1,04%), lên 81,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,14 USD (+1,34%), lên 86,39 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chi-so-gia-tieu-dung-ca-nhan-cua-my-se-quyet-dinh-xu-huong-thi-truong-post348332.html