Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản bật tăng 10%, S&P 500 futures tăng điểm sau phiên đỏ lửa

Khi thị trường mở cửa ngày 6/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản bật tăng 10%, các hợp đồng tương lai báo hiệu chỉ số S&P 500 sẽ phục hồi trong ngày mới.

Dấu hiệu tích cực

Trong ngày 6/8, Chứng khoán Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ sau khi chỉ số Nikkei 225 và Topix cùng lao dốc hơn 12% trong phiên trước đó. Các thị trường châu Á - Thái Bình Dương cũng diễn biến tích cực trong ngày mới.

Theo đó, khi thị trường mở cửa Nikkei 225 và Topix đều tăng hơn 10%. Đồng yen giảm 1% so với USD, giao dịch ở mức 145,75 yen đổi 1 USD. Trước đó, vào ngày 5/8, Nikkei 225 đã chứng kiến mức giảm mạnh nhất kể từ Thứ Hai Đen tối vào năm 1987.

Đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vào tuần trước đã vấp phải làn sóng chỉ trích.

Một số người nói động thái của BoJ đã dẫn đến cuộc bán tháo lịch sử tại Nhật Bản và làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn của thị trường toàn cầu. Không ít khả năng áp lực sẽ buộc BoJ phải tạm dừng mọi kế hoạch tăng lãi suất tiếp theo.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc đi lên gần 4%, chỉ số cổ phiếu vốn hóa nhỏ Kosdaq tăng 5,5%. Cuộc phục hồi diễn ra sau khi chứng khoán Hàn Quốc phải tạm ngưng giao dịch trong phiên 5/8 do các nhà quản lý kích hoạt cơ chế ngắt mạch thị trường để ngăn tình trạng bán tháo hoảng loạn.

Tờ CNBC cho biết, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia mở cửa tăng 0,16%.

Tại Mỹ, các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ đang tăng điểm, báo hiệu chỉ số S&P 500 và Nasdaq-100 có khả năng phục hồi khi phiên giao dịch mới bắt đầu. Còn trong phiên đầu tuần, S&P 500 trượt 3% (ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong gần hai năm). Nasdaq-100 thì có khởi đầu tháng tệ nhất kể từ năm 2008.

Biến động chỉ số chứng ngoán trong phiên ngày 5/8. (Nguồn: Internet).

Biến động chỉ số chứng ngoán trong phiên ngày 5/8. (Nguồn: Internet).

Nỗi lo suy thoái tại Mỹ làm cho nhà đầu tư không còn vui mừng trước các tín hiệu mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát đi về thời điểm cắt giảm lãi suất.

Thị trường diễn biến cực đoan đến mức có thời điểm nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất khẩn cấp trong tuần tới, xác suất lên tới 60%. Tuy vậy, sau đó khả năng này được cho là đã giảm xuống.

Theo bà Callie Cox, chuyên gia tại Ritholtz Wealth Management, nền kinh tế Mỹ chưa rơi vào khủng hoảng, nhưng đang ở trong vùng nguy hiểm. Fed có nguy cơ đánh mất niềm tin của nhà đầu tư nếu họ không thừa nhận rạn nứt trên thị trường lao động.

Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ tạm bình ổn trở lại sau khi đà tăng giá đẩy lợi suất kỳ hạn hai năm xuống dưới lợi suất kỳ hạn 10 năm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm gần như đi ngang ở mức 3,78%. Giá USD sụt giảm. Bitcoin mất gần 10%.

Diễn biến của thị trường rất giống với năm 1987

Ông Ed Yardeni, Giám đốc công ty nghiên cứu Yardeni Research cho hay, đợt bán tháo hiện tại có một số điểm giống với vụ sụp đổ của thị trường năm 1987. Thế nhưng, trái với nỗi sợ của các nhà đầu tư, nền kinh tế Mỹ khi đó đã tránh được suy thoái.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông cho biết, diễn biến của thị trường rất giống với năm 1987. Thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ trong một ngày, các nhà đầu tư nghĩ Mỹ đang ở trong hoặc sắp sửa rơi vào suy thoái.

Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Cuộc bán tháo có liên quan tới cơ chế hoạt động nội bộ của thị trường hơn là các yếu tố vĩ mô.

Theo ông Keith Lerner, chuyên gia tại Truist Advisory Services, sau nửa đầu năm quá mạnh mẽ, thị trường không còn dễ bị ấn tượng bởi các bất ngờ lạc quan nữa và một ít tin xấu đã gây ra ảnh hưởng lớn.

Khi cuộc bán tháo chứng khoán toàn cầu trở nên dữ dội hơn trong phiên 5/8, đội ngũ giao dịch của JPMorgan Chase tiết lộ nỗ lực luân chuyển vốn của các nhà đầu tư khỏi cổ phiếu công nghệ đã gần xong, thị trường đang đến gần tới cơ hội mua bắt đáy.

BN

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chi-so-nikkei-225-cua-nhat-ban-bat-tang-10-sp-500-futures-tang-diem-sau-phien-do-lua-91282.html