Chỉ số PMI của S&P Global: Dấu hiệu suy yếu xuất hiện ở châu Á

Theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) châu Á mới nhất được Tập đoàn đa quốc gia tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính S&P Global công bố ngày 7/11, chỉ số sản lượng được điều chỉnh theo mùa đã giảm trên tất cả 7 danh mục chính trong tháng 10 vừa qua.

 Công nhân làm việc trong một dây chuyền sản xuất xe ô tô ở Yokosuka, ngoại ô thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Công nhân làm việc trong một dây chuyền sản xuất xe ô tô ở Yokosuka, ngoại ô thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong đó, danh mục vật liệu cơ bản đã rơi vào vùng thu hẹp sau một tháng tăng trưởng; số liệu cho thấy mức tăng trưởng tổng thể yếu hơn vào đầu quý cuối cùng của năm 2023.

Theo từng lĩnh vực, các số liệu phân tích chỉ ra sự tăng trưởng về sản lượng ở 11 trong số 18 lĩnh vực được theo dõi, đánh dấu sự sụt giảm so với mức 14 lĩnh vực trong tháng 9 năm nay. Các công ty bảo hiểm dẫn đầu sự mở rộng về hoạt động trong tháng 10. Tốc độ tăng trưởng đã nhanh hơn so với tháng 9, và nhìn chung vững chắc. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã đạt mức tăng nhanh thứ 2 về sản lượng, khi các đơn đặt hàng mới mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong tất cả các danh mục.

Trong khi đó, lĩnh vực phần mềm và dịch vụ, từng là lĩnh vực hoạt động tốt nhất trong 2 kỳ khảo sát trước đó, đã chứng kiến đà tăng trưởng sụt giảm mạnh kể từ tháng 9/2023. Kết quả là, mức tăng mới nhất là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 2 năm nay.

Ngoại trừ lĩnh vực dịch vụ công nghiệp, tất cả các lĩnh vực ghi nhận sự sụt giảm về sản lượng đều là các danh mục sản xuất. Cụ thể, lĩnh vực lâm sản và sản phẩm giấy đã chứng kiến sản lượng giảm mạnh nhất và rõ rệt nhất kể từ tháng 1 năm nay, tiếp sau đó là sự sụt giảm được ghi nhận trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, đối với số lượng bảng lương, 12 trong số 18 lĩnh vực được theo dõi đã ghi nhận sự sụt giảm, đây là số lượng lĩnh vực có mức giảm cao nhất kể từ tháng 1 năm nay. Tốc độ giảm mạnh nhất là lĩnh vực lâm sản và sản phẩm giấy, nơi các công ty cắt giảm lực lượng lao động với tốc độ mạnh nhất trong 7 tháng. Hơn nữa, tổng số việc làm được tạo ra trong các lĩnh vực còn lại cũng ở mức khiêm tốn nhất.

Được biết, chỉ số PMI châu Á của S&P Global đã được đơn vị này tổng hợp từ những câu trả lời cho bảng câu hỏi được gửi đến các nhà quản lý mua hàng, bao gồm hơn 6.000 công ty thuộc khu vực tư nhân trên khắp 13 khu vực. Chỉ số PMI châu Á hiện có sẵn đối với các nhóm ngành vật liệu cơ bản, hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng, tài chính, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp, và công nghệ, cũng như các phân ngành của từng nhóm ngành này.

Cũng trong tháng 10/2023, sức khỏe ngành sản xuất khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tiếp tục suy giảm, theo dữ liệu do S&P Global công bố. Chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN ghi nhận ở mức 49,6 điểm; và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm trong tháng 10. Bà Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định: “Thời điểm đầu quý cuối cùng của năm nay cho thấy các điều kiện hoạt động trong ngành sản xuất ASEAN tiếp tục suy giảm nhẹ… Nếu nhu cầu tiếp tục giảm, chúng ta có thể thấy các nhà sản xuất thu hẹp sản lượng trong những tháng tới”.

LÊ THẢO (Lược dịch từ S&P Global)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/chi-so-pmi-cua-s-p-global-dau-hieu-suy-yeu-xuat-hien-o-chau-a-134665.html