Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 giảm tới 13,3% so với tháng 3

Bộ Công thương cho biết bước sang tháng 4, toàn bộ nền kinh tế nói chung đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 cả từ hai phía cung và cầu, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tính giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020.

Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng ô tô sản xuất đạt khoảng 61,4 nghìn chiếc, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước

Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng ô tô sản xuất đạt khoảng 61,4 nghìn chiếc, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước

Cụ thể, theo số liệu mới công bố của Bộ Công thương, trong xu hướng giảm chung của toàn ngành công nghiệp, ngành khai khoáng giảm 10,7%; ngành chế biến, chế tạo giảm 11,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,9%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Điều này cho thấy dịch Covid-19 đã có những tác động lớn đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020. Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại dẫn đến tình trạng “khó khăn kép” thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và khó khăn ở thị trường đầu ra cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa.

Ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 3%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ giảm 14,2%; sản xuất đồ uống giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 8,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 8,2%; sản xuất trang phục giảm 6,3%; sản xuất thiết bị điện giảm 3,6%; sản xuất các sản phẩm khoáng phi kim loại khác giảm 1,8%; sản xuất kim loại giảm 1,7%.

Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội. Sản lượng ô tô sản xuất tháng 4 ước đạt 6,9 nghìn chiếc, giảm 61,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng ô tô sản xuất đạt khoảng 61,4 nghìn chiếc, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như sản xuất bia giảm 24,1%; ô tô giảm 23,8%; xe máy giảm 16,6%; dầu thô khai thác giảm 10,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,5%; sắt thép thô giảm 7,1%; quần áo mặc thường giảm 5,9%; giày, dép da giảm 4,9%; thép cán giảm 4%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 1,7%; alumin giảm 0,7%...

Trong đó, riêng đối với ngành sản xuất bia và đồ uống có cồn, doanh số bán bia của các doanh nghiệp bị giảm sút mạnh.

Lĩnh vực kinh doanh rượu vang và rượu mạnh nhập khẩu cũng chịu tác động rất lớn do ngành du lịch và kinh doanh của các nhà hàng giảm mạnh về doanh thu (nhiều nhà hàng giảm đến 50% - 60% doanh thu so với bình thường). Ngành sản xuất chế biến thực phẩm ước tính tăng 2,5%, song tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước 5,6 điểm phần trăm;

Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 0,5% (cùng kỳ tăng 8,4%). Ngành dệt chỉ tăng 1,4% (cùng kỳ tăng 12,1%). Ngành sản xuất trang phục chịu tác động khá lớn khi 4 tháng giảm 6,3%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%.

Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ: So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 8,8%. Hiện nay, thị trường Hoa Kỳ chiếm 50%, EU chiếm 8% (các thị trường lớn còn lại: Trung Quốc 12%, Nhật Bản 13%, Hàn Quốc 8%) tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019. Tương tự ngành dệt may, da – giày và điện tử, xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu.

Ngành khai khoáng giảm 6,8% (4 tháng/2016 giảm 1,6%; 4 tháng/2017 giảm 9,7%; 4 tháng/2018 giảm 1,2%; 4 tháng/2019 bằng cùng kỳ năm trước) chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm.

Với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dầu khí. Doanh thu khai thác dầu khí sụt giảm mạnh, nhiều mỏ đứng trước nguy cơ giãn hoặc buộc phải dừng khai thác nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời. Hoạt động của các nhà máy lọc dầu trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, lượng tồn kho cao và đối mặt với nguy cơ tank-top (đầy kho) trong thời gian tới.

Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8% (cùng kỳ giảm 4,1%).

Sản lượng dầu thô khai thác tháng 4 ước đạt 1 triệu tấn, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2019; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 0,8 tỷ m3, giảm 10,3%; khí hóa lỏng ước đạt 68,9 nghìn tấn, giảm 16,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 4,1 triệu tấn, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 3,2 tỷ m3, giảm 9,8%; khí hóa lỏng ước đạt 278,3 nghìn tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thoi-su/chi-so-san-xuat-toan-nganh-cong-nghiep-thang-4-giam-toi-133-so-voi-thang-3-325323.html