Chỉ số tia UV và các mức độ gây hại

Nắng nóng với nền nhiệt độ cao đi kèm với chỉ số UV cao gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người. Cần có những hiểu biết nhất định về tia UV cũng như các mức độ gây hại của nó để có cách phòng tránh hiệu quả.

Tia cực tím (UV) hay còn gọi là bức xạ cực tím, là các tia vô hình, một phần của năng lượng đến từ mặt trời, có thể đốt cháy da và gây ung thư da. Bức xạ UV được tạo thành từ 3 loại tia - tia cực tím A (UVA), tia cực tím B (UVB) và tia cực tím C (UVC).

Hầu hết tia UV con người tiếp xúc đều bắt nguồn từ mặt trời. Tuy nhiên, khoảng 10% ánh sáng mặt trời là tia UV, và chỉ 1/3 trong số này là có khả năng thâm nhập vào bầu khí quyển của Trái đất. UVC là loại tia cực tím nguy hiểm nhất nhưng nó không thể xuyên qua tầng ozone của bầu khí quyển. Do đó, nó không gây ra mối đe dọa nào với sự sống của con người, động vật hoặc thực vật trên Trái đất. Các tia bức xạ cực tím phổ rộng - bao gồm tia UVA và UVB - là những chất gây hại mạnh nhất cho sinh vật trên Trái đất.

Nắng nóng đi kèm với chỉ số tia UV tăng cao gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Nắng nóng đi kèm với chỉ số tia UV tăng cao gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Ánh sáng mặt trời mang theo cả tia cực tím UVA, UVB và UVC. Sau khi đi qua tầng ozone của khí quyển, phần lớn đã được hấp thụ, đặc biệt là loại tia UV mang năng lượng cao nhất. 95% tia cực tím chiếu xuống mặt đất là UVA, loại mang năng lượng thấp nhất và ít gây hại nhất. Ngoài ra, tia UV giúp tổng hợp vitamin D trong cơ thể, kích thích các quá trình hoạt động sống với cường độ vừa phải, phù hợp.

Tuy nhiên, UVB và UVC vẫn xuất hiện và có khả năng tác động xấu đến sức khỏe con người.

Tác hại trước mắt khi tiếp xúc với tia UV là gây ra vấn đề về da và mắt. Nếu ở lâu ngoài trời nắng cường độ cao và không có biện pháp bảo hộ cần thiết, các tế bào bao bọc mắt có thể bị hủy do tác động của tia UV. Điều này dẫn đến mỏi mắt, lóa mắt, thậm chí gây đau mắt. Tương tự, da người sẽ bị bỏng nếu tiếp xúc thường xuyên với tia UV có trong ánh sáng mặt trời. Các tình trạng điển hình thường gặp là da sạm nắng, bỏng nắng.

Chỉ số tia UV dự đoán cường độ bức xạ tia UV vào buổi trưa và được tính theo thang điểm từ 1 đến 11+.

- Chỉ số tia UV 0-2,9: Chỉ số này cho thấy lượng bức xạ mặt trời trong ngày rất thấp. Bạn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các tác hại của tia UV hơn. Hầu hết mọi người có thể ở dưới ánh nắng mặt trời khoảng 1 giờ trong thời gian cao điểm (từ 10h sáng đến 16h chiều) mà không bị cháy nắng.

- Chỉ số UV 3-5,9: Lúc này lượng bức xạ UV đang ở mức trung bình. Các vấn đề về tia UV đối với da sẽ nghiêm trọng hơn một chút nhưng vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Những người có làn da nhạy cảm dễ bị cháy nắng trong vòng 20 phút. Đội mũ có vành rộng và kính râm để bảo vệ mắt. Luôn sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 và mặc áo dài tay khi đi ra ngoài.

- Chỉ số UV 6-7,9: Chỉ số này cho thấy lượng bức xạ mặt trời khá cao. Bạn nên cẩn thận hơn mỗi khi ra đường. Đội mũ rộng vành và kính râm để bảo vệ mắt, mũi và vành tai. Bạn cũng nên bôi kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30, mặc quần áo dài.

- Chỉ số UV 8-10,9: Những ngày hè thường có lượng tia UV rất cao, từ 8-10. Nếu bạn không cẩn thận, khả năng bạn bị cháy nắng là rất cao. Người có làn da nhạy cảm có thể bị bỏng trong vòng chưa đầy 10 phút. Giảm thiểu phơi nắng từ 10h đến 16h. Bôi kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30. Nên đeo kính râm, mặc quần áo dài với chất liệu dày dặn khi ra ngoài trời.

- Chỉ số UV hơn 11: Mức độ UV trong ngày đáng báo động. Bạn có thể bị bỏng chỉ trong vòng 5 phút khi không bảo vệ. Tốt nhất bạn nên ở trong nhà và đóng cửa lại thay vì ra đường vào thời điểm này.

G.M

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chi-so-tia-uv-va-cac-muc-do-gay-hai-572284.html