Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam vào tốp 25 thế giới

Theo báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh (MTKD) của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020 mới được công bố, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam cải thiện đáng kể, tăng 7 bậc so với năm 2019 và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất, góp phần tích cực vào việc cải thiện MTKD tại Việt Nam.

Đặc biệt, WB đã ghi nhận Việt Nam đạt điểm tối đa của tiêu chí Chiều sâu thông tin tín dụng (8/8 điểm) tại cấu phần phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 80/100 điểm, tăng 5 điểm so với năm 2019.

Kết quả này là minh chứng cho sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự quyết liệt trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và nỗ lực của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp (DN) tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch cùng chính sách pháp lý thuận lợi bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người vay và cho vay.

Với Việt Nam, những lĩnh vực được WB đánh giá có cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là vay vốn và nộp thuế. Đây là hai lĩnh vực được ghi nhận tăng điểm mạnh so với năm ngoái, trong đó chỉ số tiếp cận tín dụng là một trong 5 chỉ số (trên 10 chỉ số đánh giá) được nâng hạng trong năm nay. Cụ thể, chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam xếp thứ 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với năm 2019 và đứng thứ hai trong ASEAN và thứ hai trong khu vực châu Á (chỉ sau Brunei-hạng 1/190). Chỉ số tiếp cận tín dụng bao gồm hai chỉ số thành phần là chỉ số quyền lợi pháp lý và chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng. Chỉ số quyền lợi pháp lý được đánh giá theo thang điểm từ 0 đến 12, điểm càng cao phản ánh mức độ thuận lợi pháp lý để bảo vệ quyền của người vay và người cho vay có bảo đảm. Chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng được đánh giá theo thang điểm từ 0 đến 8, phản ánh phạm vi và mức độ dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng của cá nhân và DN.

 Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ảnh: ANH VIỆT.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ảnh: ANH VIỆT.

WB đã ghi nhận Việt Nam đạt điểm tối đa của tiêu chí chiều sâu thông tin tín dụng (8/8 điểm) tại cấu phần phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 80/100 điểm, tăng 5 điểm so với năm 2019. Cụ thể, WB ghi nhận Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đã tích hợp các thông tin từ các nhà bán lẻ vào báo cáo tín dụng của CIC, giúp các TCTD có thêm nguồn thông tin để đánh giá khách hàng vay với lịch sử thanh toán ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống. Báo cáo cũng đưa ra đánh giá Việt Nam tiếp tục cải thiện độ phủ thông tin tín dụng công đạt 59,4%/dân số trưởng thành (tăng 4,6% so với năm 2019).

Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là một điểm sáng trong nỗ lực triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01, 02 năm 2019 của Chính phủ góp phần cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chỉ số này thể hiện sự quyết tâm của NHNN trong việc chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch. Đồng thời, thể hiện sự nỗ lực của CIC trong việc mở rộng các nguồn dữ liệu thay thế, đáp ứng yêu cầu thông tin của các TCTD, khẳng định là trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia. Với kết quả trên (chỉ số tiếp cận tín dụng tăng 7 bậc), mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số tiếp cận tín dụng (A4) lên 3-5 bậc, trong đó năm 2019 tăng ít nhất một bậc mà Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, chịu trách nhiệm thực hiện tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 có thể coi như đã hoàn thành.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng đã không ngừng hoàn thiện các chính sách, minh bạch hóa thông tin và có những giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận tín dụng cũng như các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bảo đảm công bằng, minh bạch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong điều hành lãi suất, mặc dù bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến khó lường (căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, lãi suất quốc tế gia tăng…), NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; chỉ đạo các TCTD cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

NHNN cũng điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế; chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được ngành ngân hàng quan tâm. NHNN đã chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay song vẫn bảo đảm an toàn vốn vay, nâng cao khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm.

Mục tiêu cải cách hành chính của ngành ngân hàng luôn lấy người dân và DN làm trọng tâm. Do đó, việc cải cách phải tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân và DN trong việc tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng. Trong đó, bao gồm minh bạch hóa các thông tin liên quan đến các dịch vụ ngân hàng (như tiết kiệm, vay vốn, thanh toán…) nhằm tránh tiêu cực; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong các dịch vụ ngân hàng để giảm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ bảo đảm nguyên tắc thị trường để người dân và doanh nghiệp có lợi nhất trong việc tiếp cận sản phẩm và dịch vụ ngân hàng. Nhờ đó, trong 4 năm liên tiếp, NHNN luôn dẫn đầu các bộ, cơ quan ngang bộ trong chỉ số cải cách hành chính.

Đặc biệt, điểm sáng xuyên suốt hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng thời gian qua là đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng-DN trên toàn quốc, gắn với nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Từ năm 2014 đến cuối quý III năm 2019, toàn quốc đã có gần 1.800 hội nghị, buổi gặp gỡ, đối thoại với DN được tổ chức, qua đó tháo gỡ khó khăn cho gần 240.000 lượt DN.

Không chỉ cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh, ngành ngân hàng cũng kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, DN khắc phục khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như hỗ trợ người dân Đồng bằng sông Cửu Long trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo Đông Xuân; hỗ trợ bà con bị thiệt hại do cháy rừng, tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng tiêu ở Gia Lai, hay hỗ trợ người chăn nuôi khắc phục dịch tả lợn châu Phi…

Ngoài ra, ngân hàng cũng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán, đầu tư phát triển hạ tầng thanh toán với các sản phẩm, dịch vụ hiện đại đưa lại nhiều tiện ích cho người dân, DN. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục tài chính được NHNN đẩy mạnh, qua đó nâng cao kiến thức về tài chính ngân hàng cho công chúng, giúp giảm rủi ro cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần quan trọng vào phát triển tài chính toàn diện, phổ cập tài chính tại Việt Nam.

Với việc triển khai các giải pháp quyết liệt trên, ngành ngân hàng cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến ngày 30-9-2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Hệ thống ngân hàng đã cung ứng ra nền kinh tế hơn 7.800.000 tỷ đồng. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chi-so-tiep-can-tin-dung-cua-viet-nam-vao-top-25-the-gioi-598408