Chỉ thị 04 lập lại trật tự trong hoạt động khai thác thủy sản: Kỳ 1- Nguồn lợi thủy sản đang nghèo đi

Với 22.500 ha diện tích mặt nước, 113 km sông nước chảy, 18 km đường bờ biển, Ninh Bình được coi là địa phương giàu nguồn lợi thủy hải sản. Nhưng nạn khai thác tận diệt, vượt quá khả năng tái tạo của tự nhiên những năm gần đây đã khiến nguồn lợi này bị vơi cạn, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và chính đời sống người dân. Để bảo vệ nguồn tài nguyên, đầu năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Điều này thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong việc chấn chỉnh, đưa hoạt động khai thác thủy sản theo đúng các quy định pháp luật, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Đoàn liên ngành gồm Chi cục Thủy sản, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh) kiểm tra, tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên tuyến sông Đáy. Ảnh: Nguyễn Lựu

Đoàn liên ngành gồm Chi cục Thủy sản, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh) kiểm tra, tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên tuyến sông Đáy. Ảnh: Nguyễn Lựu

"Nếu không dùng kích điện thì không kiếm ăn được. Vì miếng cơm, vì đàn con nhỏ, nên đành…" hay "Chúng tôi không làm thì người khác cũng làm"… là cách mà người dân biện minh cho việc sử dụng các ngư cụ bị cấm trong quá trình khai thác thủy sản. Chính họ, với cách suy nghĩ sai lệch đang tạo nên vòng luẩn quẩn mưu sinh cho mình và cả cộng đồng, khiến nguồn thủy sản ngày càng suy giảm.

Hành nghề kích điện nhiều năm nay, anh Phạm Văn Chiến (thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn) chia sẻ: Ban đầu tôi không biết nghề này, cách đây vài năm, anh bạn thợ xây rủ đi "làm thêm" để... "cải thiện". Đi mấy hôm thấy có thu nhập cao nên tôi cũng đầu tư sắm một bộ kích. Đêm nào trời mưa, tôm cá nhiều có thể kiếm được khoảng 200 - 300 nghìn đồng. Thế nhưng những buổi đi kích được tiền trăm bây giờ cũng hiếm lắm, chủ yếu là cá nhỏ, vợt về cho lợn, gà ăn. May chăng, hôm nào mưa bão các ao đầm, các khu nuôi thả bị tràn bờ thì mới có cá to. Không chỉ đi kích điện để kiếm thêm thu nhập như anh Chiến, hiện nay, vẫn còn không ít người dân sống hoàn toàn nhờ nghề này.

Sông Hoàng Long đoạn từ cầu Gián Khẩu lên tới bến đò Đập Điềm (xã Gia Trung, huyện Gia Viễn) là địa điểm hoạt động của nhiều ngư dân. Điều đáng nói, họ thường sử dụng xung kích điện để tận thu các loại thủy sản.

Trong vai một người đi tìm mua cá sông, tôi được ngư dân tên Đào chia sẻ: "Cách đây hơn chục năm, nguồn lợi thủy sản tự nhiên phong phú, dân chài chúng tôi còn kiếm sống được chứ hiện nay bỏ nhiều rồi, chỉ còn gần hai chục hộ bám nghề thôi. Bây giờ mà chỉ dùng chài lưới, câu kéo thì chẳng kiếm được gì…". Chúng tôi thắc mắc: "Chị dùng kích điện vậy không sợ bị điện giật à?". Đáp lại sự thắc mắc của chúng tôi, chị Đào thổ lộ: Nghề này nguy hiểm lắm. Cũng có lúc tôi bị điện giật chứ, nhưng may mắn là chưa bị sao. Ngoài ra, có hôm gặp lúc lực lượng chức năng đi kiểm tra, bị thu giữ phương tiện rồi còn bị phạt tới 3-4 triệu đồng thì coi như mất cả tháng đi làm. Nhưng vì ruộng vườn không có, cũng chẳng biết làm nghề gì khác nên đành… liều".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số những người dân hành nghề này là những lao động có cuộc sống khó khăn. Khi được hỏi, hầu hết đều biết cách khai thác này sẽ gây hại cho môi trường và đi ngược với quy định pháp luật nhưng họ vẫn lờ đi để mưu sinh. Chính vì vậy, nguồn lợi thủy sản của tỉnh đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.

Đại diện Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Dùng xung kích điện để khai thác thủy sản sẽ làm chết hầu hết các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng nước có tầm bán kính từ 2-10m, thậm chí vài chục mét. Những thủy sản bị nhiễm điện còn sống sót sẽ không phát triển được và mất luôn khả năng sinh sản, trứng và ấu trùng cũng bị hủy diệt hoàn toàn. Hệ quả của việc đánh bắt đó phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh.

Hiện tại, nguồn lợi thủy sản tỉnh ta chỉ còn ở mức trung bình và đang có chiều hướng giảm dần. Đặc biệt, một số đối tượng, giống loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao đang suy giảm nghiêm trọng như: cá quả, cá chép Việt, cá chày mắt đỏ, cá trầu tiến vua, cá rô tổng trường, cá bống đen, cá bò vàng…

Hiện nay, chưa có con số thống kê cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hết số người tham gia đánh bắt thủy sản bằng xung điện là bao nhiêu dù chắc chắn số lượng là không ít, nhưng các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý còn khiêm tốn. Từ năm 2020 trở về trước, trung bình mỗi năm, chỉ xử lý được 10 đến 20 trường hợp.

Anh Đỗ Văn Chuẩn, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp&PTNT) cho biết: Việc kiểm tra, xử lý các trường hợp bắt thủy sản bằng xung điện là rất khó khăn bởi lực lượng thanh tra nông nghiệp mỏng, kinh phí hoạt động hạn chế, trong khi đó các đối tượng sử dụng xung kích điện ngày càng tinh vi.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là do các ngành chức năng của huyện, xã làm chưa quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Bất luận vì lý do gì, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện dai dẳng thời gian qua đã và đang hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Việc này cần phải sớm chấm dứt và cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền và các ngành chức năng.

Phương Phương
(còn nữa)

Kỳ II: Siết chặt hoạt động quản lý

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chi-thi-04-lap-lai-trat-tu-trong-hoat-dong-khai-thac-thuy/d2021112308591936.htm