Chỉ thị 04 Lập lại trật tự trong hoạt động khai thác thủy sản: Kỳ II- Siết chặt hoạt động quản lý

Ngay khi Chỉ thị 04 về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh được ban hành, lực lượng công an, biên phòng cùng các đơn vị, địa phương của tỉnh đã có nhiều biện pháp để thực hiện nhiệm vụ tăng cường kiểm tra các đối tượng vi phạm, đồng thời xác định đây là công việc lâu dài. Trong khi lực lượng quản lý đang xốc lại hoạt động, thì chính ngư dân cũng phải tự tìm hướng đi mới cho mình.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại bến thuyền Tràng An. Ảnh: Anh Tuấn

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại bến thuyền Tràng An. Ảnh: Anh Tuấn

Hàng trăm vụ việc được xử lý trong thời gian ngắn

Mới đây, trong đợt tuần tra, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên tuyến sông Đáy, đoàn liên ngành gồm Chi cục Thủy sản, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh) đã phát hiện ông Trần Văn Luận, thôn Điềm Khê, xã Gia Trung (Gia Viễn) đang sử dụng xung kích điện để khai thác thủy sản, tịch thu 1 kích điện, 8m dây điện, 1 càng điện cầm tay.

Sau đó, cơ quan chức năng đã xử phạt ông Luận 3 triệu đồng. Đây là một vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng để xử lý được, các lực lượng chức năng đã rất vất vả bởi hầu hết các đối tượng khi bị lập biên bản dù thừa nhận lỗi nhưng không chịu ký mà luôn dùng lý lẽ, tìm đủ lý do để biện minh cho việc làm sai trái của mình. Một số đối tượng khác thì nhanh chóng tẩu tán tang vật xuống sông.

Ngoài ra, họ còn gọi điện thông báo cho nhau mỗi khi lực lượng chức năng xuất hiện. Các trường hợp tái phạm, chây ỳ không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng, đặc biệt là các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an cơ sở, chỉ trong hơn 4 tháng đã có hàng trăm vụ việc được xử lý.

Cụ thể, theo thông tin từ Công an tỉnh, từ ngày 15/4 đến 1/10/2021, lực lượng công an đã phối hợp với lực lượng tham gia đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, bảo vệ dân phố tiến hành hơn 9.600 lượt tuần tra, kiểm soát địa bàn; qua tuần tra đã phát hiện, xử lý 144 vụ, 144 cá nhân sử dụng kích điện khai thác thủy sản trái phép, phạt tiền 258 triệu đồng.

Con số này gấp nhiều lần so với giai đoạn trước đây. (Báo cáo của Sở Nông nghiệp&PTNT, trong 8 năm, từ năm 2012 đến 2020, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương tổ chức 96 chuyến thanh tra, kiểm tra trên sông, trên biển, với 1.392 phương tiện khai thác thủy sản, phát hiện, xử lý 146 trường hợp vi phạm và phương tiện đánh bắt thủy sản bằng xung điện, xử phạt gần 136 triệu đồng).

Bước chuyển tích cực trong công tác đấu tranh với các vi phạm về sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản đã từng bước lập lại trật tự trong hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn.

Tuy nhiên, để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này và giúp người dân có cuộc sống ổn định cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn.

Giúp ngư dân đổi nghề

Nửa năm trở lại đây, anh Phạm Văn Chiến (thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn) đã từ bỏ hẳn nghề đánh cá bằng xung, kích điện để đi làm cho Công ty sản xuất và lắp ráp ô tô Thành Công. Với mức lương ổn định 5 triệu đồng/tháng, anh có điều kiện tốt hơn để chăm lo cho cuộc sống gia đình, không phải vất vả đêm hôm đi kích cá nữa.

Anh Chiến chia sẻ: Nhờ được tuyên truyền, tôi nhận thức được những tác hại của việc làm trước đây, được chính quyền xã tạo điều kiện giới thiệu có công việc mới nên tôi thấy yên tâm hơn.

Ông Đặng Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân cho biết: Do đặc thù nằm ven sông Hoàng Long nên trên địa bàn xã có khá nhiều người dân sống bằng nghề khai thác thủy sản, trong đó không ít đối tượng sử dụng xung kích điện. Trước đây, với tâm lý nể nang, kiểu "người làng", việc kiểm tra, xử lý chưa quyết liệt.

Chỉ đến khi có Chỉ thị 04, lực lượng công an chính quy về phụ trách xã đã tạo chuyển biến rõ nét. Nhiều người còn tự nguyện giao nộp ngư cụ cấm. Về phía chính quyền địa phương, UBND xã cũng liên tục vận động bà con ngừng đánh bắt tận diệt, đồng thời phối hợp đào tạo nghề, làm cầu nối với các doanh nghiệp để đưa họ vào làm việc, chuyển đổi nghề nghiệp.

Ông Phạm Văn Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường, Công an huyện Gia Viễn cho rằng: Trước đây, lực lượng tuần tra, kiểm tra thiếu người, thiếu phương tiện nên khó quản lý hết. Việc xử phạt ở địa phương còn chưa nghiêm, dẫn đến nhờn pháp luật.

Nhưng chúng ta cũng phải nhìn sâu hơn, bởi đa số các đối tượng sử dụng xung kích điện để đánh bắt thủy sản đều là những người nghèo, nhận thức còn hạn chế, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà không hiểu được nguy hại sau này. "Có người bất đắc dĩ nên mới tìm cách tận thu thủy sản. Nỗi khổ ấy chúng tôi hiểu.

Về phía cơ quan chức năng vẫn phải tuyên truyền để họ dần thay đổi ý thức, chứ nếu chỉ tịch thu xung kích điện, xử phạt, thì họ lại tái phạm", ông Cường nhấn mạnh. Cùng với việc xử lý nghiêm các hành vi khai thác tận diệt, để giải quyết bài toán bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa đảm bảo sinh kế của người dân, trong nhiều năm nay, Ninh Bình còn thực hiện tốt công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Từ năm 2016 đến năm 2020, đã tiến hành thả hơn 27 nghìn con cá chép Việt, 10 nghìn con cá chày mắt đỏ, 5 nghìn con cá trôi và 8.500 con cá bống bớp xuống các vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh, qua đó khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái.

Bên cạnh đó, quan tâm khôi phục và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các bãi sinh sản, nơi tập trung các loài thủy sản còn non.

Riêng năm 2021, ngành nông nghiệp đã phối hợp tổ chức thả 300kg cá các loại, bao gồm: trắm, chép, koi, chuối hoa và cá rô Tổng Trường xuống khu vực Bến thuyền Tràng An. Nguồn lợi thủy sản có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên và phát triển kinh tế thủy sản, bảo đảm cho sự cân bằng sinh học.

Việc kịp thời bảo vệ, bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, gìn giữ môi trường, tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của ngành Nông nghiệp, Du lịch...

Chính vì vậy, thời gian tới, để tập trung bảo vệ nguồn thủy sản, cơ quan chức năng của tỉnh cần ban hành quy định vùng, khu vực cấm khai thác và thực hiện cấm tuyệt đối những khu vực hải sản tập trung sinh sản, hoặc khu vực sinh sống của thủy sản còn non. Ngoài xung kích điện, một số nghề, phương tiện đánh bắt khác phải cấm tuyệt đối, ví như nghề lồng xếp, giã cào…

Việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh để nâng cao nhận thức người dân, giúp họ thấy giá trị của nguồn lợi thủy sản chính là cuộc sống, sinh kế của gia đình mình hiện tại và cả mai sau.

Ngoài ra, cần nghiên cứu hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ các nghề khai thác xâm hại sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường. Đào tạo họ tham gia các hoạt động như: nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần hoặc công việc khác tùy theo điều kiện từng vùng. Kết hợp với đó là các chính sách tín dụng ưu đãi giúp họ được vay vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Phương Phương

Kỳ 1: Nguồn lợi thủy sản đang nghèo đi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chi-thi-04-lap-lai-trat-tu-trong-hoat-dong-khai-thac-thuy/d20211124082158155.htm