Chỉ thị 40-CT/TW: Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy được hiệu quả trong Nhân dân, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh, cán bộ xã Kiến Thiết (Yên Sơn) kiểm tra việc sử dụng vốn theo Chỉ thị 40.

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh, cán bộ xã Kiến Thiết (Yên Sơn) kiểm tra việc sử dụng vốn theo Chỉ thị 40.

Hỗ trợ vốn kịp thời

Cấp ủy, chính quyền, các sở, cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, thông qua việc lồng ghép hoạt động tín dụng với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê của Ngân hàng CSXH, sau 10 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn. Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 227.103 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với tổng số tiền 8.525 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Hoa (bên trái) thôn Húc, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) vay 50 triệu đồng vốn tạo việc làm từ Ngân hàng CSXH nuôi chim cu gáy mang lại hiệu quả kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Hoa (bên trái) thôn Húc, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) vay 50 triệu đồng vốn tạo việc làm từ Ngân hàng CSXH nuôi chim cu gáy mang lại hiệu quả kinh tế.

Nguồn vốn đã giúp cho 72.350 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp 1.026 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; 23.175 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; 454 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng được 101.859 công trình nước sạch vệ sinh và môi trường, 3.857 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…

Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tuyên Quang khẳng định: Các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thực hiện tốt hoạt động nhận ủy thác, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội tăng 2,7 lần sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tăng 2.735 tỷ đồng, đạt 4.323 tỷ đồng, chiếm 99,39% tổng dư nợ, với 80.052 khách hàng còn dư nợ vay vốn thông qua 2.374 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Nâng cao chất lượng tín dụng

Ngân hàng CSXH tỉnh hoạt động giao dịch với mạng lưới 138 điểm giao dịch tại xã đã giải quyết hầu hết các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hoạt động này được thực hiện dân chủ, công khai với cách thức "phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã", góp phần tăng cường sự giám sát, chỉ đạo của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội đảm bảo công khai, tiết giảm các chi phí giao dịch của người vay khi hồ sơ vay được cung cấp miễn phí và giải ngân, thu nợ, thu lãi tại xã.

Gia đình anh Triệu Văn Kiên, dân tộc Dao, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) được vay vốn 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH làm nhà ở mới.

Gia đình anh Triệu Văn Kiên, dân tộc Dao, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) được vay vốn 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH làm nhà ở mới.

Mô hình Điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và là một đặc thù riêng của Ngân hàng CSXH, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong hoạt động chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.

Việc quản lý vốn tín dụng chính sách có sự tham gia của trưởng thôn, bản, tổ dân phố trong việc phối hợp với các Hội, tổ chức chính trị - xã hội và các bên liên quan để phổ biến, triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi; tham gia giám sát, chứng kiến, xác nhận toàn bộ nội dung các cuộc họp của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần đảm bảo tính công khai, dân chủ, đúng quy định.

Xã Kiến Thiết là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, những năm qua từ nguồn vốn chính sách, nhiều người dân, nhất là người Mông đã vươn lên thoát nghèo. Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết Lục Chí Hiếu cho biết, toàn xã hiện có dư nợ Ngân hàng CSXH hơn 45,7 tỷ đồng với hơn 500 hộ vay vốn. Các hộ dân đã đầu tư phát triển được trên 389 ha cây ăn quả các loại, đầu tư chăm sóc 1.500ha rừng sản xuất…

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai nguồn vốn chính sách theo Chỉ thị 40 để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chi-thi-40-ct-tw-phat-huy-hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-195480.html