Chỉ thị 40: Vì hạnh phúc của Nhân dân (Kỳ 1)
Từ việc ăn bữa nay lo bữa mai, giờ đây khi 'cái bụng' đã no, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên có thêm động lực để tìm đến những mô hình kinh tế mới giúp thay đổi cuộc đời. Nếp sống, nếp sinh hoạt, tư duy đã thay đổi, đồng vốn chính sách giờ đây trở thành 'cần câu' mà nhà nước trao, khơi dậy ý chí thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Hạnh phúc của người dân tộc ở đâu xa khi được no bụng, có của ăn của để, con cái được học hành có việc làm ổn định…
Kỳ 1: Gia đình tôi hạnh phúc hơn nhờ có ngân hàng chính sách
Từ thoát khỏi đói, nghèo…
Di chuyển 3 tiếng đồng hồ trên những cung đường cua tay áo, từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ chúng tôi đến với Tủa Chùa – một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Thời điểm tháng 10, Tủa Chùa đẹp như một bức tranh vẽ. Xen giữa sắc vàng rực rỡ là sự yên bình của những ngôi nhà sàn, con đường nhỏ quanh co uốn lượn qua thung lũng như dải lụa mềm mại vắt ngang.
Tuy thiên nhiên ưu ái về cảnh sắc nhưng Tủa Chùa lại là địa phương bị mất an ninh nguồn nước nghiêm trọng do địa hình không giữ được nước, ảnh hưởng lớn tới vụ mùa của bà con. Những ngày giáp hạt tháng 3, vẫn còn những hộ gia đình dân tộc Mông đứt bữa, ăn mèn mén thay cơm. Họ hiểu rằng chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô, cuộc sống sẽ chỉ quẩn quanh bên đói nghèo.
Hơn 10 năm trước, gia đình ông Lò Văn Thật, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa chỉ sống dựa vào việc trồng lúa, trồng ngô. Dù cố gắng lao động nhưng cả nhà 5,6 miệng ăn, cũng có lúc thiếu đói, 4 người con không dám nghĩ tới việc đến trường. Vì để gia đình có cuộc sống tốt hơn, ông Thật sau khi nghe tới chương trình của ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã mạnh dạn vay món đầu tiên là 25 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Từ con trâu đầu tiên rồi thứ hai, thứ ba, hiện mô hình chăn nuôi của gia đình ông Thật đã mở rộng thêm cả chục con trâu, hàng chục con lợn, gà, mang lại doanh thu gần 100 triệu đồng/năm. Nay gia đình ông đã thoát nghèo, sửa được ngôi nhà khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt, 4 người con đã được lên Thủ đô học tập, 3 người học đại học, 1 người học cao đẳng, hiện đã quay trở lại có công ăn việc làm ổn định ngay tại quê hương. Giờ đây khi cuộc sống đã khấm khá hơn, ông Thật trở thành tổ trưởng tổ vay vốn, đem vốn chính sách, kế xóa đói, giảm nghèo tới từng gia đình bà con trong thôn.
Cách nhà ông Thật không xa là gia đình ông Điêu Chính Thỉnh cũng là một trong những hộ thoát nghèo tiêu biểu từ nguồn vốn chính sách. Gia đình ông Thỉnh hiện đang có một mô hình chăn nuôi với hàng chục con lợn, hơn 200 con gà đen – đặc sản của Tủa Chùa với doanh thu khoảng 150 triệu đồng/năm. Chia sẻ với phóng viên, ông Thỉnh không thể kìm những giọt nước mắt hạnh phúc xen lẫn tự hào khi kể về hai người con giờ đang là viên chức nhà nước tại địa phương. Hơn 10 năm nuôi hai con học đại học ở Thủ đô xa xôi, ông Thỉnh nhớ lại, có những ngày nhận được tin con báo tiền học, tiền ăn, tiền thuê nhà, ông không biết xoay sở ra sao thì nguồn vốn từ ngân hàng chính sách như chỗ dựa tinh thần giúp gia đình ông vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. “Vốn chính sách giúp gia đình tôi hạnh phúc hơn. Nếu không có ngân hàng chính sách, tôi không biết lấy gì để hỗ trợ con cái học hành, hoàn thành ước mơ có công ăn việc làm ổn định”, ông Thỉnh nghẹn ngào chia sẻ.
Trên địa bàn huyện Tủa Chùa, ông Lường Tuấn Anh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, tín dụng chính sách xã hội là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng. Tính đến ngày 30/9/2024, NHCSXH huyện đã thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên 500 tỷ đồng, số hộ được vay vốn trên 8.400 hộ, chiếm gần 70% số hộ trên địa bàn được vay vốn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đã giảm đáng kể, góp phần tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành tốt việc thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện, hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5-6%.
Đặc biệt, tín dụng chính sách không chỉ thay đổi cuộc sống, giúp đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo mà còn thay đổi tư duy. Theo ông Lường Tuấn Anh, nếu như ngày trước, khi nhắc đến hỗ trợ của nhà nước, đồng bào dân tộc nghĩ là khoản cho không, không phải trả. Nhưng nhờ sự vào cuộc tuyên truyền tích cực của cán bộ ngân hàng chính sách kết hợp cùng chính quyền địa phương, giờ đây bà con hiểu vốn chính sách là “cần câu” mà nhà nước trao, có vay có trả, tư tưởng ỉ lại đã giảm rất nhiều. Điều này là một sự thay đổi lớn để hướng tới giảm nghèo bền vững.
“Tủa Chùa tuy nghèo nhưng không phải hết hy vọng, chúng tôi có cảnh sắc thiên nhiên để phát triển du lịch, có đặc sản địa phương để quảng bá, vì vậy cùng với sự đồng hành của nguồn vốn chính sách, nhất định bà con dân tộc tại Tủa Chùa sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Lường Tuấn Anh chia sẻ.
…Đến làm giàu chính đáng
Là một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên và của cả nước với đặc thù gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Mường Ảng nhiều năm trước chỉ là một nông trường nghèo đến nay đã trở thành một điển hình trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Điện Biên. Tính đến nay, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trung bình đạt 11,3 tiêu chí nông thôn mới/xã, không có xã đạt dưới 9 tiêu chí.
Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh phát triển cây cà phê và xác định đây là loại cây “xóa đói giảm nghèo”. Nhờ động lực từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, người dân tộc thiểu số huyện Mường Ảng đã mạnh dạn phát triển cây cà phê và nhiều hộ làm giàu từ loại cây này. Đến nay, huyện đã phát triển được hơn gần 2.200 ha cây cà phê, chủ yếu là cà phê Arabica. Ngay tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 7/2023, đích thân Bí thư Huyện ủy Mường Ảng đã về giới thiệu cà phê địa phương bên hành lang kỳ họp Quốc hội, đánh dấu một bước phát triển mới của thương hiệu cà phê Mường Ảng.
Ông Lò Văn Quân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng cho biết, trong những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng chính sách, người dân đã có đồng vốn phát triển cây cà phê. Nhờ đó, xã Ẳng Nưa giảm được tỷ lệ hộ nghèo đều qua các năm, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xã thấp nhất huyện, chỉ sau thị trấn. Tính đến cuối tháng 9, đang có 1.000 hộ vay vốn từ NHCSXH với dư nợ là 54 tỷ đồng. Từ việc không đủ ăn, đủ mặc, người dân tộc thiểu số tại Ẳng Nưa đã tiến tới phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Về phía cấp ủy chính quyền xã cũng đồng lòng, hiệp lực cùng ngân hàng chính sách để hỗ trợ bà con. Theo ông Quân, để người dân phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay, chính quyền xã đã phối hợp với phòng ban chuyên môn của huyện để tổ chức nhiều buổi tập huấn về kĩ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê. Chính từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng hành của ngân hàng, nhiều gia đình đã vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Vượt qua những con dốc quanh co ở vùng miền núi, chúng tôi đến thăm rẫy cà phê rộng 2 ha của gia đình ông Tòng Văn Tính ở bản Na Luông, xã Ẳng Nưa. Cách đây 9 năm, ông Tính vay 50 triệu đồng đầu tiên từ NHCSXH để trồng cây cà phê. Sau 3 năm chăm bón, nhận được những “trái ngọt” từ loài cây này, ông Tính mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng để mở rộng diện tích. Hiện nay mỗi năm, 2 ha cà phê đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông khoảng hơn 200 triệu đồng – một số tiền mà chưa bao giờ ông Tính dám nghĩ tới khi chỉ làm nương ngô, nương lúa. Trước đây khi trồng lúa, không có vốn từ NHCSXH, ông Tính cho biết còn phải mua phân bón trả chậm, cuối vụ chẳng còn được bao nhiêu. Giờ đây nhờ nguồn vốn ưu đãi, gia đình ông Tính không chỉ trở nên khá giả mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều nhân công tại rẫy cà phê.
Ở cách đó không xa là bản Tát Hẹ, cán bộ của ngân hàng chính sách chỉ cho phóng viên ngôi nhà gỗ khang trang to nhất bản của gia đình ông Vàng A Đa. Trước đây, gia đình ông cũng là hộ nghèo, chỉ trồng ngô, lúa quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Tuy nhiên, nhiều năm trước khi biết tới cây cà phê, ông Vàng A Đa quyết tâm vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư. Diện tích rẫy cà phê được mở rộng dần, đến nay gia đình ông có 3 ha cà phê cho thu hoạch ổn định hằng năm, doanh thu gần 300 triệu đồng. “Nếu không có NHCSXH cho vay vốn giúp tôi tự tin phát triển cây cà phê, chắc tới giờ gia đình tôi vẫn còn đói nghèo, con cái tôi cũng không được đến trường tìm con chữ. Tôi tin nếu bám vào cây cà phê, người dân Tát Hẹ sẽ thoát được nghèo. Chỉ cần ngân hàng tiếp tục đồng hành, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển”, ông Vàng A Đa bộc bạch.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chi-thi-40-vi-hanh-phuc-cua-nhan-dan-ky-1-158843.html