Chỉ thị số 40-CT/TW: Góp phần 'thay da đổi thịt' vùng quê Cách Mạng

Thấm nhuần tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành động lực quan trọng giúp vùng quê cách mạng - Thái Nguyên chuyển mình mạnh mẽ. Từ những ngôi làng từng chịu nhiều khó khăn, nay đời sống người dân đã được cải thiện rõ rệt, kinh tế phát triển bền vững. Những đổi thay ấy không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước mà còn góp phần đưa Thái Nguyên trở thành 'điểm sáng' trong phát triển kinh tế của cả nước, giữ vững vị trí là cực tăng trưởng của khu vực Đông Bắc.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đưa “hương trà” bay xa (Ảnh Đông Dư)

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đưa “hương trà” bay xa (Ảnh Đông Dư)

Chỗ dựa của người dân nghèo vùng ATK

Trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có Khu di tích lịch sử quốc gia ATK Định Hóa, bức tranh kinh tế - xã hội của Thái Nguyên ngày càng thêm rực rỡ, ngay cả tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng chiến khu xưa. Những thành quả ấn tượng đã minh chứng cho nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên trong công cuộc giảm nghèo bền vững.

Với 113 mô hình, dự án giảm nghèo được triển khai hiệu quả, đạt 205% chỉ tiêu kế hoạch; hơn 2.500 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,78%, bình quân mỗi năm giảm 1,26% trong 3 năm qua, vượt kế hoạch đề ra. Đây là minh chứng rõ nét cho tính đúng đắn và hiệu quả thiết thực của các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Thông qua mạng lưới 177 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn cùng 2.628 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, cán bộ tín dụng NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người dân một cách thuận tiện nhất.

Theo bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành một khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Sự thay đổi tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể đã giúp nguồn vốn chính sách tại Võ Nhai tăng trưởng nhanh chóng, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ sản xuất, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Sự đồng lòng, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư Thái Nguyên đã tạo điều kiện để cán bộ NHCSXH tỉnh kiên trì thực hiện các quy trình tín dụng một cách linh hoạt, năng động, bảo đảm nguồn vốn được cấp nhanh chóng, đầy đủ. Những chương trình tín dụng chính sách không chỉ giúp người dân khôi phục sản xuất mà còn thúc đẩy thế mạnh của ngành nông, lâm nghiệp, tạo động lực phát triển cho toàn tỉnh.

Từ thành thị đến nông thôn, từ vùng chiến khu xưa Định Hóa đến những xã khó khăn nhất của các huyện miền núi như Võ Nhai, Đại Từ, chính sách tín dụng ưu đãi đã chạm tới từng người nghèo, từng gia đình chính sách. Nhờ nguồn vốn quý giá này, họ không chỉ có cơ hội thoát nghèo mà còn cải thiện đời sống, vươn lên phát triển kinh tế, đóng góp vào sự đổi thay tích cực trên khắp vùng quê cách mạng Thái Nguyên.

Gieo niềm tin nơi huyện nghèo

Tại huyện Định Hóa, những đồng vốn chính sách đã trở thành điểm tựa quan trọng, giúp các hộ nghèo, cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như chăn nuôi trâu bò sinh sản, gà thả vườn, hay thâm canh vườn chè sạch đã được xây dựng, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Điển hình là gia đình chị Nông Thị Thảo (xóm Khang Thượng, xã Bình Yên). Nhờ khoản vay chính sách 50 triệu đồng, chị khởi nghiệp với 5 sào chè sạch và 4 con bò giống. Đến nay, chị đã tạo dựng được nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trở thành minh chứng sống động cho sự hỗ trợ thiết thực của tín dụng chính sách. Tương tự, gia đình anh Dương Văn Chuyền (xóm Hin, xã Yên Đỗ, huyện Phú Lương), cũng đã thay đổi cuộc sống nhờ nguồn vốn này.

Trước đây, thu nhập của gia đình anh Chuyền chủ yếu dựa vào cấy lúa và chè, nhưng đất sản xuất hạn chế khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2020, anh mạnh dạn mở xưởng xẻ gỗ với diện tích trên 200m² để phục vụ bà con trong và ngoài xã. Sau khi thoát nghèo năm 2021, anh tiếp tục được NHCSXH hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng xưởng.

Hiện nay, xưởng xẻ của anh không chỉ mang lại thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/tháng mà còn tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. “Nguồn vốn chính sách thực sự là cứu cánh, giúp gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn phát triển kinh tế bền vững,” anh Chuyền chia sẻ.

Tại xã Yên Đỗ, huyện Phú Lương, như gia đình anh Chuyền, hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn xã đạt trên 30 tỷ đồng, với hơn 700 hộ vay vốn. Nguồn vốn này không chỉ giúp cải thiện đời sống người dân mà còn đóng vai trò là đòn bẩy kinh tế, hỗ trợ địa phương hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại huyện Đồng Hỷ, nhu cầu tiếp cận vốn vay của các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo cũng rất lớn. Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 574,4 tỷ đồng, tăng 11,4 tỷ đồng so với cuối năm 2023, với hơn 12.472 hộ vay vốn. Đáng chú ý, huyện Đồng Hỷ là một trong số ít địa phương trên toàn quốc duy trì được thành tích không có nợ quá hạn và không xảy ra tình trạng khoanh nợ.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ, bà Lê Thị Thu Hà, cho biết: “Trong 3 năm qua, cùng với các chương trình hỗ trợ khác, tín dụng chính sách đã góp phần giảm hơn 1.000 hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 5,48%, và từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ giảm thêm khoảng 500 hộ nghèo, cận nghèo.”

Có thể nói, những đồng vốn chính sách không chỉ gieo niềm tin mà còn mở ra cơ hội thay đổi cuộc sống cho hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng thời khẳng định hiệu quả thiết thực của các chương trình tín dụng chính sách trong hành trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên.

PV

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chi-thi-so-40-cttw-gop-phan-thay-da-doi-thit-vung-que-cach-mang-post535052.html